Print

Giáo viên Hàn Quốc đối mặt thách thức mới

Thứ Ba, 24 /09/2024 08:06

Theo một nghiên cứu mới, hơn 50% số giáo viên tại các trường có nhiều học sinh nhập cư tại Hàn Quốc gặp khó khăn trong giao tiếp với học sinh vì khả năng tiếng Hàn của các em còn hạn chế.

Trong báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 22/9, Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc (KEDI) đánh giá tình trạng thiếu hỗ trợ về chính sách càng làm trầm trọng thêm vấn đề này, dẫn tới gia tăng khối lượng công việc cho giáo viên và làm giảm chất lượng giáo dục.

Cuộc khảo sát của KEDI được tiến hành với 342 giáo viên đến từ 95 trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn Hàn Quốc. Kết quả cho thấy, 76,9% số ý kiến nói rằng số học sinh từ các gia đình nước ngoài không nói tiếng Hàn ngày càng tăng là thách thức lớn nhất đối với họ. 59,1% cho biết họ phải đảm đương khối lượng công việc tăng cao và bị kiệt sức do nhu cầu hỗ trợ những học sinh này, trong khi 44,5% khẳng định việc thiếu các chính sách và hỗ trợ là vấn đề quan trọng.

Cuộc khảo sát nói trên được thực hiện ở những trường có số trẻ xuất thân từ gia đình nhập cư chiếm ít nhất 30% tổng số học sinh. Kết quả cho thấy, tính đến năm 2023, Hàn Quốc có tới 350 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc diện này.

Và một thực tế nữa được rút ra từ cuộc khảo sát là khó khăn trong giao tiếp không chỉ giới hạn ở học sinh mà còn mở rộng đến cả phụ huynh. Khoảng 42,1% số giáo viên nêu ra những thách thức trong giao tiếp với phụ huynh nhập cư, và 36,8% phản ánh thái độ không hợp tác cùng sự thờ ơ của những phụ huynh này đối với việc giáo dục con cái.

Do đó, các giáo viên nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận đa diện để giải quyết những vấn đề trên và khuyến nghị cung cấp hỗ trợ về hội nhập trường học cũng như các hoạt động học tập cho học sinh gốc nhập cư, cung cấp hỗ trợ giáo dục phù hợp cho phụ huynh của các em và triển khai các chương trình giáo dục đa văn hóa cho cả học sinh nhập cư và không nhập cư. Ngoài ra, họ đề nghị phát triển đào tạo chuyên biệt cho giáo viên trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu chứng tỏ nhu cầu ngày càng lớn về các chiến lược chuẩn bị và ứng phó trong giáo dục khi tổng dân số ở độ tuổi đi học của Hàn Quốc tiếp tục giảm và lượng học sinh từ các gia đình nhập cư đều đặn tăng.

Để đảm bảo các trường này hoạt động hiệu quả, nhóm nghiên cứu kêu gọi thiết lập nền tảng pháp lý cho giáo dục đa văn hóa, đồng thời thực hiện hỗ trợ pháp lý, thể chế và chính sách cấp quốc gia cho giáo dục đa văn hóa.

Hồi tháng 5, một cuộc khảo sát do Liên đoàn Các hiệp hội giáo viên Hàn Quốc thực hiện cho thấy phần lớn giáo viên nước này không vui với công việc hiện tại. Cụ thể, có chỉ có 21,4% số giáo viên được hỏi bày tỏ sự hài lòng, giảm mạnh so với tỷ lệ lên tới gần 70% của năm 2006.

Chia sẻ về những khó khăn lớn nhất trong công việc, 31,7% số ý kiến nói đó là dạy dỗ những học sinh quậy phá, 24% đề cập việc giải quyết khiếu nại và duy trì mối quan hệ tốt với phụ huynh học sinh và 22,4% than phiền phải xử lý quá nhiều công việc hành chính dường như không liên quan đến giáo dục. Khoảng 19,7% trong số hơn 11.000 giáo viên đang làm việc tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và đại học tham gia khảo sát thừa nhận nếu có cơ hội làm lại từ đầu, họ sẽ chọn nghề khác.  

Thực trạng trên được đánh giá là đang tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục ở Hàn Quốc. Nhiều giáo viên cân nhắc chuyển nghề hoặc nghỉ hưu sớm, dẫn đến cảnh thiếu hụt giáo viên có chuyên môn cao và ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh.

Theo báo cáo của Ủy ban Giáo dục Quốc hội Hàn Quốc, nước này có tới hơn 32.700 giáo viên từ bậc tiểu học đến THPT bỏ việc trước khi đến tuổi nghỉ hưu, trong giai đoạn 2019-2023. Trong số nhân sự rời ngành, có khoảng 6.500 người nghỉ hưu sớm vào năm 2023, tăng 24% so với hai năm trước đó. Và từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay, thêm 3.300 giáo viên nữa ra khỏi hệ thống giáo dục. 

Hoàng Dương