Print

“Mặt khác” của Hà Nội

Thứ Ba, 24 /09/2024 09:23

Triển lãm Mặt khác-Otherwise đang diễn ra tại Hội quán Quảng Đông- số 22 Hàng Buồn (Hà Nội). Đây là dự án sáng tạo của 3 nghệ sĩ gạo cội trong các lĩnh vực gồm: Họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt.

Triển lãm trưng bày hơn 150 mặt nạ được tạo hình dựa trên khuôn mặt của 3 nghệ sĩ, bởi nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, sử dụng các chất liệu truyền thống như gốm, giấy bồi, được trang trí bởi các hoa văn truyền thống và tên những con phố, tên chợ Hà Nội, hay các câu văn, câu kinh Phật. Đây là những kỹ thuật quen thuộc để truyền tải những thông điệp mới, tôn vinh những giá trị xưa cũ của thành phố; đồng thời hòa trộn ngôn ngữ nghệ thuật chung của cả 3 nghệ sĩ.

Với Triển lãm, 3 nghệ sĩ không cố gắng đưa ra những ý tưởng quá mới mẻ, mà tạo ra sự khác biệt bằng chính những hình thức, chủ đề và đối tượng nghệ thuật truyền thống. Theo đó, với 3 cách thể hiện khác nhau, đã tạo ra 3 chủ đề chính cho triển lãm gồm: Mặt Phố, Mặt Chùa, Mặt Chợ. Dù theo đuổi những con đường nghệ thuật riêng, song cả 3 nghệ sĩ đều chia sẻ một tình yêu sâu sắc với Hà Nội- đó là điều đã gắn kết họ trong suốt 3 thập kỷ qua.

Nguyễn Việt Hà chọn Mặt Phố- từ chính tình yêu dành cho những ngõ phố Hà Nội, nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận của anh trong văn học, với các tác phẩm như: Con giai phố cổ, Tuyệt không dấu vết, Giọng của phố... Với anh, các mặt nạ không chỉ khắc họa những khuôn mặt, mà còn là những mảnh ghép của cuộc sống nơi phố phường Hà Nội. “Trên khoảng 30 mặt nạ, tôi viết những câu trong các tập tản văn của mình, mỗi câu 7-8 chữ, chủ đề chính vẫn là Hà Nội. Quan niệm về phố Hà Nội, Hà Nội có phẩm tính gì, thực sự tôi đã viết nhiều trong truyện ngắn, tiểu thuyết và tạp văn; và ngoài Hà Nội tôi cũng không viết gì khác. Tôi nghĩ rằng được sinh ra và lớn lên ở thành phố này đã là may mắn, dù tôi đã viết nhiều lần là Hà Nội chẳng phải của riêng ai, ai cũng có một kiểu Hà Nội của riêng mình. Hà Nội là thành phố văn hóa, ai sống lâu ở đây, đến thời điểm nào đó cũng thăng hoa thành nghệ sĩ, có người hát, vẽ, múa… còn tôi viết văn”- Nguyễn Việt Hà chia sẻ.

Đối với Lê Thiết Cương, Mặt Chùa là lựa chọn tự nhiên từ sự gần gũi với Phật giáo, đức tin đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách nghệ thuật và con người của anh, với những tác phẩm mang đậm triết lý Phật giáo cũng như sự tĩnh lặng giữa dòng đời xô bồ. “Từ Mặt Chùa, tôi nghĩ ra ý tưởng trên mặt nạ giấy bồi và mặt nạ gốm. Trên các mặt nạ gốm, tôi ghi các câu kinh điển của nhà Phật, còn trên mặt nạ giấy bồi, dù không nghiên cứu văn học Việt Nam, nhưng tôi yêu thích văn thơ giai đoạn thời Lý-Trần, nên chọn các câu thơ nổi tiếng của các thiền sư, nhà thơ thời kỳ này để viết trên mặt nạ”- họa sĩ cho biết.

Còn Đinh Công Đạt, người lớn lên giữa những khu chợ Hà Nội, mang vào tác phẩm của mình sự lộn xộn và nhộn nhịp của những khu chợ xưa, đã chọn Mặt Chợ như cách để gợi nhớ lại bầu không khí thân quen và hỗn loạn của phố cổ. “Đơn giản là ngày xưa chúng tôi gọi tên người gắn với tên bố mẹ, hoặc tên nghề gia đình, hoặc tên con phố. Đã có những tay chơi nổi tiếng gọi là Cường Hàng Đồng, rồi Thắng Hàng Vải, Trường Hàng Chiếu… Chuyện tên một người gắn với một con phố, hoặc tên con phố gắn với số phận của con người cũng rất dễ hiểu”- nhà điêu khắc Đinh Công Đạt trải lòng về quyết định đưa vào tác phẩm tên những con phố Hàng, những món ăn quen thuộc của Hà Nội...

Minh Anh