Print

Singapore triển khai chương trình mới về hỗ trợ người thất nghiệp tìm kiếm việc làm

Thứ Ba, 24 /09/2024 16:22

Một báo cáo của Đại hội Công đoàn Quốc gia Singapore (National Trades Union Congress, NTUC) cho thấy, người thất nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm ngay khi bị sa thải thường có mức lương trung bình thấp hơn người mất 3 hoặc 4 tháng để tìm được công việc phù hợp.

Vì vậy, theo Trợ lý Tổng Thư ký NTUC, kiêm Chủ tịch Trung tâm Đào tạo Việc làm NTUC Lin Zhijing-Lâm Chi Tinh, Chương trình Hỗ trợ Người tìm việc- Kỹ năng tương lai được Chính phủ Singapore công bố gần đây có thể giúp giảm bớt áp lực tài chính cho người thất nghiệp: “Qua đó, tạo cơ hội cho họ có thêm thời gian tìm kiếm công việc phù hợp với sở trường hoặc cải thiện trình độ, kỹ năng của bản thân. Việc này sẽ giúp củng cố sự tự tin và gia tăng động lực tìm việc làm cho ứng viên khi tái hòa nhập thị trường lao động”.

Chương trình Hỗ trợ Người tìm việc- Kỹ năng tương lai của Singapore dự kiến triển khai vào tháng 4/2025. Theo đó, người có thu nhập trung bình hàng tháng trước khi thất nghiệp dưới 917,07 SGD (khoảng 17.486.785 đồng) và tiền thuê nhà hàng năm không vượt quá 4.585 SGD (khoảng 87.435.160 đồng) có thể nộp Đơn Xin hỗ trợ ngắn hạn từ Chính phủ, với tổng số tiền không quá 1,100 SGD (khoảng 20,984,143 đồng) một người, trong vòng 6 tháng. Số tiền này sẽ được phân bổ hằng tháng theo tỷ lệ giảm dần.

Phân tích sâu hơn về Chương trình hỗ trợ của Chính phủ, TS.Xu Le-Từ Lạc, giảng viên Khoa Chiến lược và Chính sách, Trường Kinh tế Đại học Quốc gia Singapore (NUS Business School), cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến việc sa thải nhân sự là do DN cần tái cơ cấu. Một số NLĐ bị sa thải có thể có vấn đề kỹ năng hay chuyên môn, nghiệp vụ không phù hợp với yêu cầu công việc. Thậm chí, một bộ phận gặp khó khăn khi bị yêu cầu chuyển đổi công việc do trình độ không cao. Với nhân sự thuộc diện này, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để trau dồi, nâng cao kỹ năng của mình và khó có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Do vậy, việc hỗ trợ tài chính ngắn hạn có thể giúp ứng viên giảm bớt căng thẳng và học các kỹ năng mới trong thời gian tìm việc. Từ góc độ của nhà nghiên cứu, tôi cho rằng Chính phủ cần cung cấp đào tạo kỹ năng nghề có mục tiêu hơn, chẳng hạn cung cấp dịch vụ tư vấn cho ứng viên tìm việc trong các ngành có nhu cầu nhân lực cao".

PGS.Lai Hua De-Lê Hoa Đức, Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Singapore (Singapore University of Social Sciences, SUSS), chỉ ra: Người tìm việc thường có mục tiêu riêng về mức lương hoặc đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu có thể chấp nhận được. Như vậy, có sự khác biệt về khả năng tài chính và kỳ vọng về mức lương giữa những ứng viên. Có người chấp nhận công việc lương thấp hơn để trở lại thị trường lao động sớm, song cũng có người có thể kiên trì chờ đợi công việc lương cao hơn. Trường hợp người thất nghiệp có điều kiện kinh tế khó khăn và là trụ cột chính của gia đình, họ thường có xu hướng ưu tiên tìm việc làm trước, còn mức lương có thể tính đến sau.

“Tuy nhiên, thời gian trì hoãn tìm việc làm không đảm bảo ứng viên có thể tìm được công việc lương cao. Nhà tuyển dụng thường có ấn tượng không mấy thiện cảm về người thất nghiệp lâu ngày. Theo một số khảo sát, càng mất nhiều thời gian, xác suất tìm được việc làm tốt có thể thấp hơn. Do đó, người thất nghiệp cần cân nhắc kỹ định hướng nghề nghiệp của mình, trong lúc thụ hưởng Chương trình hỗ trợ của Chính phủ”- PGS.Lai Hua De-Lê Hoa Đức khuyến cáo.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)