Print

Cần tạo cơ hội việc làm để NLĐ di cư được đảm bảo an sinh

Thứ Tư, 25 /09/2024 07:52

Nhiều người di cư ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long có đời sống vật chất thiếu thốn với thu nhập và mức sống thấp, điều kiện nhà ở khó khăn… Do đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo việc làm và hòa nhập cho người di cư ở những địa phương tiếp nhận lao động di cư.

Nhiều lao động di cư không có BHXH

Kết quả nghiên cứu Di cư nội địa ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách” thực hiện ở 9 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Cần Thơ, Long An, An Giang và Sóc Trăng và Bình Dương cho thấy, đa số người di cư trong mẫu nghiên cứu chưa được hưởng các phúc lợi xã hội cơ bản. Nhiều người di cư không có chuyên môn thường làm lao động đơn giản trong các công ty hoặc làm tự do với công việc theo mùa vụ, không có BHXH, BHYT, kể cả BHXH tự nguyện và chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội ở địa phương đến. Đáng chú ý, lao động di cư làm việc trong khu vực chính thức và phi chính thức thường có sự khác biệt về thu nhập. Ở khu vực chính thức, thu nhập phần lớn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng và tăng ca được 9- 11 triệu đồng/tháng, cá biệt có công ty đạt tới 14 triệu/tháng. Khu vực phi chính thức thì thấp hơn, khoảng 5- 7 triệu đồng/tháng. Điều này khiến NLĐ di cư luôn mong muốn làm thêm giờ dù thời gian làm việc bị kéo dài.

Cũng theo nghiên cứu, tình trạng này đã phát sinh bởi một số lý do như: Chính sách giữ chi phí lao động rẻ với tiền lương vùng thấp, DN thiết kế chương trình giờ làm việc và mức lương thấp nhưng vẫn đảm bảo quy định lương tối thiểu vùng, song do lương tối thiểu thấp, NLĐ phải đi làm thêm; DN xây dựng giờ làm việc nhằm khai thác sức lao động và có lách luật để tiết kiệm chi phí. Mặc dù trả tiền ngoài giờ cho những giờ làm ngoài 8 giờ/ngày nhưng DN khai thác sức khỏe của lao động di cư thông qua việc đi làm sớm, không có giải lao, ăn nhẹ giữa làm chính. Cùng với đó, các DN có mạng lưới liên kết với nhau. Doanh nghiệp làm tốt muốn tăng lương cho NLĐ cũng không hề dễ dàng vì DN khác trên địa bàn phản đối. Như vậy, mức lương thấp khiến phần lớn NLĐ di cư sống trong các khu nhà trọ không đủ tiêu chuẩn, chật chội, ẩm mốc, không đủ đồ dùng cơ bản, đặc biệt không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng, chống cháy nổ.

Lý giải vì sao người di cư lựa chọn hoặc chấp nhận sống trong khu nhà như vậy là nhà trọ có giá thuê rẻ. Các nhà trọ được xây thành dãy, mỗi phòng có diện tích 9-16m2 với giá thuê từ 800.000 đến 1,4 triệu đồng/tháng, không kể điện nước. Cá biệt có nhà trọ cho thuê với giá 500.000 đồng/tháng. Loại nhà trọ tiết kiệm chi phí hơn đó là ở tập thể, hàng chục người trong cùng căn phòng, người di cư trả tiền trọ theo từng đêm ngủ, giá dao động từ 10.000- 30.000 đồng/ngày đêm. Mặt khác, nhà trọ chỉ để ngủ nên đa phần lao động di cư đều làm việc cả ngày, thậm chí tăng ca kíp, thời gian chính của họ là ở nơi làm việc. Nhiều lao động di cư làm việc xong, ăn tối ở công ty mới về nhà; lao động về nhà trọ chỉ để tắm, giặt và ngủ nên nhà trọ không phải là quan tâm của NLĐ. Ngoài ra, do cuộc sống tạm bợ nên người di cư hi vọng luôn trong tình trạng thăm dò và tìm các công việc, cơ hội tốt hơn, trong khi các lao động thời vụ phụ thuộc công việc. Chính vì sự thiếu ổn định, lao động di cư không chăm lo cho nơi ở của mình. Những người di cư này thường là người di cư hi vọng.

Cần các chính sách thúc đẩy sự hoà nhập của người di cư

Ông Lê Quang Cảnh- Viện trưởng Viện Phát triển Bền vững (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, lý do người dân 2 vùng đồng bằng di cư là do tìm kiếm cơ hội việc làm/thu nhập; trải nghiệm cuộc sống mới; một phần do biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không có chính sách hỗ trợ riêng cho người dân di cư bởi các chính sách liên quan đều được quy định trong các văn bản và thực hiện ở các địa phương với nhiều nội dung khác nhau, cùng việc, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cư trú và quản lý lao động chưa chặt chẽ. Điều này có thể lý giải thông qua hiện trạng về việc đăng ký tạm trú và công tác quản lý di cư trở nên quá tải, nhiều người dân chưa hiểu rõ về các quy định đăng ký tạm trú, tạm vắng. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người nhập cư còn nhiều hạn chế; đời sống vật chất thiếu thốn; nhiều trường hợp người di cư khó tiếp cận dịch vụ giáo dục công lập, đáng lo ngại là giáo dục phổ cập cho trẻ em…

Vì vậy, để có thể xây dựng và hoàn thiện chính sách cho người dân di cư, đảm bảo phát triển kinh tế- an sinh xã hội, cần công nhận và thực thi quyền của người di cư nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng; tăng cường hiểu biết về quyền của người di cư trong đội ngũ quản trị địa phương; nâng cao trách nhiệm hướng dẫn của cán bộ, công chức nơi tiếp nhận người di cư. Ngoài ra, cần kết nối cơ quan quản lý cư trú và cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc: Lồng ghép di cư vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; bảo đảm quyền lợi của người di cư trong lập kế hoạch, ra quyết định quản trị địa phương; thực hiện hiệu quả Đề án 06 theo hướng bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hành chính công của người di cư nội địa. Đồng thời, xây dựng chính sách tăng cơ hội việc làm ở khu vực chính thức cho người di cư bằng cách cung cấp thông tin thị trường lao động tại điểm đến, chuyển đổi lao động di cư từ khu vực phi chính thức sang chính thức; tăng điều kiện tiếp cận nhà ở cho người di cư; khuyến khích di cư theo mạng lưới và có những chế tài hỗ trợ, bảo vệ người nhập cư hoà nhập cộng đồng, nhất là đối với người di cư vùng Đồng bằng sông Hồng.

Dưới góc độ khác, bà Bùi Thái Quyên- Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc đảm bảo về an sinh xã hội cho người dân là một trong những mục tiêu rất lớn của Việt Nam, đặc biệt là dân di cư. Vì vậy, để mục tiêu này được thực thi hiệu quả, cần tạo cơ hội việc làm cho người dân với mức độ thu nhập trung bình, điều này không chỉ giúp đỡ về việc cải thiện đời sống mà còn giúp cho người di cư có thể hoà nhập cộng đồng tốt hơn; từng bước nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục,...; đảm bảo người dân di cư được đối xử bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nghề nghiệp... “Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ như Luật BHXH năm 2024 đã sửa đổi chính sách cho NLĐ không thuộc tình trạng đóng BHXH bắt buộc; tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách tiếp cận các quy định cư trú… Tiếp đó, các chính sách cũng cần xây dựng bổ sung các lĩnh vực hỗ trợ về tài chính, đào tạo cho người dân di cư dễ dàng nắm bắt và tiếp cận”- bà Quyên nhấn mạnh.

Nguyệt Hà