Print

Hồi sinh bệnh nhân đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết

Thứ Năm, 26 /09/2024 06:02

Các bác sĩ BV Xuyên Á Vĩnh Long vừa sử dụng thuốc tiêu sợi huyết điều trị thành công trường hợp đột quỵ với tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Đây là “thuốc hồi sinh” trong điều trị sớm đột quỵ. Đáng chú ý, mỗi liều có giá hơn chục triệu và được Quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Ông N.H.P (53 tuổi, trú TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng nói đớ (nói ú ớ), liệt nửa người bên trái... Ghi nhận bệnh sử cho thấy, trong lúc sinh hoạt bình thường, ông P. đột ngột xuất hiện các dấu hiệu liệt người, trò chuyện ú ớ, nên gia đình vội đưa ông tới BV Xuyên Á Vĩnh Long để cấp cứu.

Đơn vị Đột quỵ của BV sau khi tiếp nhận lập tức đánh giá sơ bộ, khởi động quy trình cấp cứu đột quỵ với kíp bác sĩ chuyên khoa. Qua khai thác bệnh sử và kết quả cận lâm sàng, kíp cấp cứu kết luận ông P. bị đột quỵ não cấp dạng tắc mạch còn trong “thời gian vàng” (không quá 6 giờ kể từ khi bắt đầu đột quỵ). Vì vậy, các bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) giúp tan cục huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu.

Đây là liệu pháp phù hợp nhất giúp giảm tỷ lệ tàn tật do di chứng và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ. Sau 1 giờ dùng thuốc tiêu sợi huyết, tình trạng yếu liệt của người bệnh đã bắt đầu cải thiện, sức khoẻ phục hồi tốt, từ liệt nửa người bên trái lúc đầu chuyển sang hồi phục khả năng vận động gần như hoàn toàn. Giọng nói cũng rõ hơn, không còn ú ớ như lúc nhập viện.

Theo các bác sĩ Đơn vị Đột quỵ BV Xuyên Á Vĩnh Long, tăng huyết áp là bệnh lý nguy cơ hàng đầu gây bệnh đột quỵ. Tai biến này khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Những người may mắn vượt qua nguy kịch cũng có nguy cơ đối mặt với các di chứng thần kinh, vận động.

Vì vậy, các bác sĩ đưa thêm lời khuyên: Ngoài việc khám bệnh định kỳ, bệnh nhân cao huyết áp phải tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp theo toa. Trong trường hợp cơ thể có những biểu hiện bất thường, bệnh nhân phải tới bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, để tận dụng “thời gian vàng” hết sức quý báu.

Thuốc tiêu sợi huyết chỉ phát huy tác dụng đánh tan huyết khối nhờ các yếu tố mới (mới bị đột quỵ, còn trong “thời gian vàng”) và nhẹ (huyết khối nhỏ hoặc hình thành không lâu). Trường hợp huyết khối lớn hoặc hình thành lâu khiến thuốc tiêu sợi huyết không phát huy tác dụng, các bác sĩ phải chuyển hướng can thiệp nội mạch để xử trí.

Với chi phí tương đối “nhẹ” (hơn chục triệu đồng mỗi liều) và được Quỹ BHYT chi trả theo quy định, tiêu sợi huyết là lựa chọn hàng đầu của bác sĩ dành cho bệnh nhân đột quỵ nếu thỏa các điều kiện mới, nhẹ. Còn can thiệp nội mạch thì chi phí cao hơn, từ vài chục tới vài trăm triệu đồng tùy tình trạng bệnh.

Dù Quỹ BHYT cũng chi trả theo quy định đối với can thiệp nội mạch, đặt Stent, đặt bóng... song tổng chi phí lớn thì phần đồng chi trả của bệnh nhân cũng lớn theo. Vì vậy, khía cạnh kinh tế cũng là điều mà cộng đồng cần quan tâm, để lắng nghe và thực hành các khuyến cáo của bác sĩ trong phòng ngừa và điều trị đột quỵ.

Thanh Giang