Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn
Việc được tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản rất quan trọng đối với sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, giúp ngăn ngừa tử vong mẹ, cũng như giảm mang thai ngoài ý muốn.
Ngày 26/9, tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) đã tổ chức Lễ Mít tinh Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9). Cách đây 17 năm, vào ngày 26/9/2007, tại châu Âu, Liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội Khoa học và Y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày Tránh thai Thế giới. Ngày này có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì lợi ích của chính mình và cộng đồng. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe sinh sản.
Ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số phát biểu
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số cho biết: “Tại Việt Nam, số liệu mới đây cho thấy, tỷ suất sinh con ở phụ nữ độ tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao. Trên toàn quốc con số này là 42 trẻ sinh ra sống/1.000 phụ nữ; con số này cao nhất là ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115 trẻ) và Tây Nguyên (76 trẻ), đây đều là những nơi tập trung chủ yếu là đồng bào DTTS”.
Trên thế giới, tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nhất là ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên cũng rất đáng lo ngại. Theo thống kê, trong giai đoạn năm 2015-2019, mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong số đó có 61% trường hợp được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm; ước tính có khoảng 45% số ca phá thai không an toàn. Riêng năm 2024, có 4,7 triệu trẻ sơ sinh. Có khoảng 3,5% tổng số trẻ sơ sinh trên toàn thế giới được sinh ra từ các bà mẹ dưới 18 tuổi và khoảng 340.000 trẻ được sinh ra từ các bé gái dưới 15 tuổi.
Việc mang thai ngoài ý muốn, nhất là ở độ tuổi vị thành niên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, hạnh phúc của cả bà mẹ và trẻ em. Từ đó cho thấy, việc được tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản là rất quan trọng đối với sức khỏe của phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới, giúp ngăn ngừa tử vong mẹ, cũng như giảm mang thai ngoài ý muốn, nhất là ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) hiện là khoảng 25 triệu người; dự báo số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Mặc dù chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số.
Việc chủ động phòng tránh thai sẽ giúp cha mẹ chủ động trong việc sinh con, thời gian sinh, khoảng cách sinh và số con, đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng. Đặc biệt, chủ động phòng tránh thai cũng tránh được những tai biến sản khoa, nhất là ở trẻ vị thành niên và tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống, không sinh quá nhiều con để có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình
Lãnh đạo Cục Dân số nhấn mạnh: Chủ đề của Ngày Tránh thai Thế giới năm 2024 của Việt Nam được chọn là "Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước". Chủ đề nhằm khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình.
Lễ Mít tinh Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới (26/9)
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Cục trưởng Cục Dân số cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới. Đặc biệt, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp từng bước khắc phục tình trạng mang thai và sinh con ở trẻ vị thành niên; ưu tiên đẩy mạnh các đợt chiến dịch truyền thông cao điểm lồng ghép với cung dịch vụ về dân số, sức khỏe sinh sản thân thiện cho trẻ vị thành niên, thanh niên.
Bên cạnh đó, ngành y tế các địa phương đảm bảo mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được tiếp cận thông tin và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thuận tiện, an toàn và có chất lượng. Triển khai các hoạt động giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên phù hợp với từng lứa tuổi; đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương
Cơ quan dân số các cấp cần nỗ lực hơn nữa, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, hoàn thành các mục tiêu của các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.
Hà Hùng