Print

Chi bộ Đại diện Văn phòng BHXH Việt Nam tại TP.HCM: Hành trình “Về nguồn” tại Chiến khu Rừng Sác

Thứ Sáu, 27 /09/2024 08:38

Nhằm tăng cường các hoạt động giáo dục về chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng đến các đảng viên và đa dạng các nội dung, hình thức sinh hoạt Chi bộ, ngày 26/9/2024, Chi bộ Đại diện Văn phòng BHXH Việt Nam tại TP.HCM tổ chức chương trình “Về nguồn” cho các đảng viên, quần chúng tại Khu Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ (TP.HCM).

Tham gia hoạt động “Về nguồn” kết hợp sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Nguyễn Thị Mai Loan- Phó Bí thư Chi bộ Đại diện Văn phòng BHXH Việt Nam tại TP.HCM làm Trưởng đoàn; cùng 11 đảng viên (9 đảng viên thuộc Đại diện Văn phòng BHXH Việt Nam tại TP.HCM, 2 đảng viên thuộc Đại diện Tạp chí BHXH tại phía Nam) và quần chúng trong cơ quan.

Chuyến “Về nguồn” tại Khu Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ của Chi bộ Đại diện Văn phòng BHXH Việt Nam tại TP.HCM

Tại đây, Đoàn đã dâng hương và tham quan Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ. Đây được coi là "căn cứ nổi" của bộ đội đặc công, diễn ra hơn nghìn trận đánh "xuất quỷ nhập thần" khiến quân địch vô cùng khiếp sợ.

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, Khu Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ là nơi có quần thể thiên nhiên hoang dã đặc trưng của vùng ngập mặn, xung quanh là bạt ngàn màu xanh của những cây đước, vẹt, bần, mắm… Ngày 15/12/2004, căn cứ Rừng Sác đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia; UNESCO cũng đã công nhận đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Khu căn cứ được biết đến qua quá khứ hào hùng của các chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác.

Sau khi dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, Đoàn nghe hướng dẫn viên trình bày về những chiến công vang dội của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Đây là lực lượng đặc công được tập hợp từ 3 miền với nhiệm vụ đánh tê liệt về mặt trận hậu cần của Mỹ. Với 595 trận đánh lớn nhỏ; đánh chìm 356 tàu thuyền chiến đấu; bắn rơi 29 máy bay, trực thăng; loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên lính Mỹ-Ngụy. Các chiến công của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã gây chấn động Sài Gòn và toàn thế giới.

Đoàn tiếp tục di chuyển đến Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Rừng Sác-Cần Giờ để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Đền thờ được khởi công xây dựng vào ngày 28/12/2023 trên khu đất rộng 20.663,2 m2 với tổng đầu tư hơn 50 tỷ đồng, bao gồm các không gian: Đền chính (diện tích 1.122 m2); Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (cao 6,9m; kích thước tượng 2mx2mx43cm); Tượng đài Chiến sĩ đặc công Rừng Sác; bếp, nhà vệ sinh (diện tích 178 m2); hàng rào; cổng chính (chiều rộng 13,8m, chiều cao 10m); cổng phụ (tận dụng cổng có sẵn); các hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật khác.

Sau gần 8 tháng thi công, công trình đã hoàn thành vào đúng kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2024). Đây được xác định là công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày huyện Duyên Hải (Cần Giờ) sáp nhập TP.HCM; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang TP.HCM.

Đồng chí Nguyễn Thị Mai Loan ghi sổ lưu niệm tại Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Rừng Sác-Cần Giờ

Đồng chí Nguyễn Thị Hà- Bí thư Chi bộ Đại diện Văn phòng BHXH Việt Nam tại TP.HCM chia sẻ: Hành trình về nguồn kết hợp với sinh hoạt chuyên đề tại Khu Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác Cần Giờ (TP.HCM) không chỉ là dịp để các đảng viên, quần chúng được hòa mình với thiên nhiên hoang sơ, mà còn là cách để để ôn lại truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh. Ở mỗi điểm dừng chân Đoàn như được sống lại một thời hoa lửa đã qua, từ đó càng thêm yêu nước và tự hào về những thành quả cách mạng của dân tộc, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đảng viên trong Chi bộ và quần chúng.

Lê Văn