BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực phục vụ người dân vùng an toàn khu
TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có 5 xã, phường được công nhận xã ATK gồm: Vĩnh Tân, Hòa Đông, Vĩnh Hiệp, phường Khánh Hòa và phường Vĩnh Phước. Tìm về xã Hòa Đông- một trong 5 xã ATK, chúng tôi được nghe các cụ cao niên kể lại rằng, trong những năm kháng chiến, nhân dân xã Hòa Đông luôn vững tay cày, chắc tay súng, bám đất, bám làng, một lòng trung kiên theo Đảng.
Nhà bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng tọa lạc tại ấp Nguyễn Út là nơi lưu dấu trận đánh oanh liệt của quân và dân Khánh Hòa-Hòa Đông. Trận đánh Giầy Lăng diễn ra hơn một ngày. Bộ đội địa phương cùng với du kích xã Khánh Hòa phối hợp với Tiểu đoàn Phú Lợi chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công, diệt và làm bị thương gần 300 tên địch, bắn hỏng một máy bay trực thăng. Về phía ta cũng tổn thất nặng, nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn Phú Lợi đã anh dũng hy sinh...
Ông Lê Hữu Nghĩa- CCB ấp Giầy Lăng cho biết: “Hòa Đông là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, vùng đất một thời hứng chịu mưa bom, bão đạn vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nay được Đảng, Nhà nước công nhận là ATK, tôi thấy rất xúc động. Đây không chỉ là sự tri ân đối với người dân vùng căn cứ cách mạng, mà còn là niềm tự hào, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục ra sức xây dựng quê hương Hòa Đông ngày càng đổi mới”.
Xã Mỹ Phước là một trong 4 xã của huyện Mỹ Tú cũng được công nhận xã ATK. Đây là một trong những vùng căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong hai cuộc kháng chiến ác liệt. Vùng đất Mỹ Phước là “cái nôi” của phong trào cách mạng, rừng tràm Mỹ Phước là địa danh lịch sử và là cơ quan đầu não của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cùng với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, quân và dân Mỹ Phước đã kiên cường đấu tranh, lập nên nhiều chiến công oanh liệt.
Bà Võ Thanh Thủy- nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước chia sẻ: “Xã Anh hùng Mỹ Phước sản sinh nhiều đồng chí anh hùng, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc; cán bộ về hưu thì tiếp tục đóng góp trí tuệ cho quê hương, động viên thế hệ trẻ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Xã được công nhận xã ATK thật sự là niềm tự hào của quê hương, sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với người dân nơi vùng quê cách mạng”.
Huyện Trần Đề có 3 xã là Thạnh Thới An, Thạnh Thới Thuận và Liêu Tú được công nhận xã ATK. Cô Trần Thị Thúy Ái- ấp Thạnh An 3 (xã Thạnh Thới Thuận) nay đã 58 tuổi, sức khỏe không được tốt, nên thường xuyên phải vào BV khám bệnh. Sau một thời gian tham gia BHYT hộ gia đình, đến đầu năm 2024, cô Ái được cấp thẻ BHYT theo diện xã ATK, nên nỗi lo chi phí KCB vơi đi rất nhiều. “Đây là chính sách quá ý nghĩa đối với những người như cô…”- cô Ái xúc động chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Mẫn- xã Thạnh Thới Thuận cũng cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi khám, tôi mất vài trăm ngàn đồng trở lên. Giờ tôi được cấp thẻ theo diện ATK rồi, nên đi KCB không cần lo lắng nhiều về chi phí điều trị nữa, lại còn được các bác sĩ chăm sóc, hướng dẫn tận tình, nên thấy rất yên tâm. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân ở vùng xa như chúng tôi được chăm sóc y tế như thế này”.
Còn với ông Lâm Lạc- ấp Hòa Khởi (xã Hòa Đông, TX.Vĩnh Châu), việc Nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân xã ATK khiến ông rất mừng. “Trước đây, chúng tôi tự mua BHYT, có đối tượng được hưởng 75%, có đối tượng được hưởng 80%. Từ tháng 11/2023, người dân nơi đây được cấp thẻ BHYT xã ATK, khi bệnh tật được BHYT thanh toán 100%, nên chúng tôi rất yên tâm”- ông Lạc cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Linh- Trưởng phòng Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH tỉnh Sóc Trăng) cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn đơn vị. Đồng thời, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện.
Theo đó, sau gần 4 tháng, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã cấp thẻ BHYT cho 222.353 người dân tại 42 xã ATK. Hầu hết các trường hợp phát sinh chi phí KCB BHYT của nhóm này cũng đã được cơ quan BHXH thanh toán đầy đủ, đúng mã quyền lợi mới theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP. Bên cạnh đó, 73.535 người DTTS không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 cũng được hỗ trợ 70% mức đóng. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết hỗ trợ thêm 30% mức đóng cho người DTTS đến hết tháng 10/2026.
“Thời gian tới, BHXH tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ngành có liên quan rà soát số người được thụ hưởng chính sách BHYT theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP nhưng chưa được cấp thẻ BHYT để tìm nguyên nhân. Từ đó, có giải pháp thực hiện tốt hơn Nghị định này, đảm bảo tất cả người dân thuộc diện được hưởng BHYT sẽ được cấp thẻ BHYT và được thụ hưởng quyền lợi BHYT theo quy định”- ông Nguyễn Trọng Linh cho biết thêm.
Ông Đàm Lực Sĩ- Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng cũng thông tin thêm, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn Sóc Trăng có 1.153.248 người tham gia BHYT, đạt 100,35% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, đạt 98,73% kế hoạch UBND tỉnh giao và đạt tỷ lệ bao phủ 96,28% dân số. Như vậy, có thể thấy, Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã góp phần rất lớn vào việc gia tăng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh cũng như đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.
“Các quy định mang tính đổi mới, đột phá của Nghị định thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB BHYT, tạo thuận lợi cho cả người tham gia BHYT, cơ sở y tế và hoạt động quản lý nhà nước về BHYT; đặc biệt là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Ngay sau khi Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của Nghị định, cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân địa phương”- ông Đàm Lực Sĩ nhấn mạnh.
Thực hiện: Phạm Thọ - Quỳnh Anh
Trình bày: Hà Hùng