Print

Nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho NLĐ

Thứ Hai, 30 /09/2024 11:08

Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật BHXH, BHYT, trong đó có nội dung về chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn số 4589/BLDTBXH-VP ngày 27/9/2024 gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến việc nâng mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Theo đó, cử tri tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần đánh giá tác động của tăng lương cơ sở đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các đối tượng này vì hiện nay đời sống người dân rất khó khăn.

Liên quan vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách tiền lương mới đối với việc thực hiện chính sách BHXH, trong đó có việc đánh giá tác động khi tăng mức lương cơ sở đối với người đang tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, để gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền khi xem xét phương án thực hiện chính sách tiền lương mới.

Về việc xem xét nâng mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, theo Bộ LĐ-TB&XH, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2018 với các mức hỗ trợ hiện hành quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ. Cụ thể, NSNN hỗ trợ 30% mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% mức đóng đối với người tham gia thuộc các đối tượng khác. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Về đánh giá tác động của việc tăng mức lương cơ sở đối với người tham gia BHYT và kiến nghị hỗ trợ người tham gia BHYT, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng BHYT dựa trên điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của Nhà nước, DN, NLĐ và người dân. Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT hằng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên cơ sở quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đã quy định mức đóng BHYT là 4,5%.

Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người DTTS, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, Điểm e, Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ngoài ra, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định UBND tỉnh, thành phố căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để trình HĐND tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ thêm, mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT và không được NSNN hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.

Vũ Thu