Print

Eating Alone- “Dùng bữa một mình” đang trở thành xu hướng

Thứ Ba, 01 /10/2024 16:00

Parisa Imanirad, một nhà khoa học, nhà nghiên cứu về ung thư, đến từ San Francisco (Mỹ), đã kết hôn và có nhiều bạn bè.

Tuy nhiên, một hoặc hai lần/tuần, cô đến nhà hàng một mình. “Việc này giúp tôi có thời gian để suy nghĩ hoặc đọc sách. Tôi cố gắng không chạm vào điện thoại và tận hưởng sự yên tĩnh. Giống như đi spa nhưng theo hình thức khác"- Imanirad nói, khi PV bắt gặp cô đang ăn trưa một mình tại Spruce, một nhà hàng cao cấp ở San Francisco.

Thực ra, Parisa Imanirad không phải là người duy nhất có nhu cầu ăn một mình. Tại Mỹ, lượng khách đặt chỗ để ăn tối một mình đã tăng 29% trong 2 năm trở lại đây. Năm 2024, con số này tăng 18% ở Đức và 14% ở Vương quốc Anh. Ở Nhật Bản, thậm chí còn có một thuật ngữ đặc biệt cho việc “dùng bữa một mình” là Ohitorisama- có nghĩa là "một mình", song có kính ngữ phía trước và sau từ này, để những người đi ăn một mình cảm thấy bớt e ngại hơn.

Trong một cuộc khảo sát gần đây, Viện Nghiên cứu Ẩm thực Hot Pepper Gourmet của Nhật Bản nhận thấy, 23% người dân quốc gia này đi ăn một mình, tăng từ 18% vào năm 2018. Do đó, nhiều nhà hàng ở Nhật Bản và các quốc gia khác đang thiết kế lại chỗ ngồi, thay đổi thực đơn và thêm những điểm nhấn đặc biệt khác để thu hút thực khách có nhu cầu dùng bữa một mình.

Masahiro Inagaki,nhà nghiên cứu cấp cao, thuộc Viện Nghiên cứu Ẩm thực Hot Pepper Gourmet, cho biết: "Ngay cả nhà hàng phân khúc gia đình cũng đang tăng số lượng ghế ngồi tại quầy cho thực khách đi một mình. Bên cạnh đó, các nhà hàng cũng có xu hướng cung cấp phần ăn nhỏ hơn để thực khách đi một mình có thể thưởng thức nhiều món khác nhau".

Lý giải về xu hướng Eating Alone– “Dùng bữa một mình”, Tổng Giám đốc điều hành OpenTable Debby Soo cho rằng: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội khiến nhiều công ty, doanh nghiệp cho phép NLĐ làm việc từ xa. Việc này dẫn đến NLĐ… cô đơn hơn, làm gì cũng một mình và giao tiếp với người xung quanh chủ yếu qua điện thoại thông minh. Chuẩn mực xã hội cũng vì thế mà thay đổi. Mọi người không còn quan tâm hay định kiến người dùng bữa một mình là những kẻ cô độc và không có ai chơi cùng nữa”.

Ngoài ra, việc kết hôn muộn hoặc không mặn mà với kết hôn, sinh con cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ người dùng bữa một mình. Năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố, 38% người từ 25 đến 54 tuổi ở Mỹ đang sống mà không có bạn đời, tăng từ 29% vào năm 1990. Còn tại Nhật Bản, hộ gia đình độc thân hiện chiếm 1/3 tổng số hộ gia đình; dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2040, theo dữ liệu dự báo của Chính phủ.

“Gần đây, 2 nhà hàng và 1 quán rượu thuộc Sojourn Philly của chúng tôi ngày càng đón nhiều thực khách dùng bữa một mình. Có lúc cao điểm, chúng tôi phải thêm một chiếc bàn chung phục vụ việc nếm thử món ăn mới hay nếm thử rượu, để mọi người có nơi tụ tập. Nếm thử xong, ai nấy lại về chỗ ngồi của mình, một mình ngồi bao lâu tùy thích, gọi món ăn nào muốn và không cần giao lưu với ai cả” – đại diện chuỗi nhà hàng Sojourn Philly chia sẻ.

Tùng Anh (Theo Bloomberg)