Print

Thái Lan thí điểm giải pháp chống bùn sau lũ

Thứ Năm, 03 /10/2024 07:52

Tổ chức phi lợi nhuận Mirror Foundation vừa đề xuất một phương cách tạm thời giải quyết tình trạng bùn sau lũ lụt tại Thái Lan

Trận lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trong tháng 9 tại huyện Mae Sai thuộc tỉnh Chiang Rai (cực Bắc Thái Lan) đã để lại "biển bùn" trên đường và trong nhà. Đây là một vấn đề vô cùng nan giải trong bối cảnh cả chính quyền và nhân dân địa phương đang phải dốc sức chạy đua với thời gian để phục hồi thị trấn biên giới quan trọng này, để cuộc sống và công việc kinh doanh có thể tiếp tục trở lại. Dù nước lũ đã rút đi, nhà cửa và đường sá ở những vùng trũng vẫn ngập trong bùn nhiều ngày sau đó, khiến một số người đi sơ tán vẫn chưa thể trở về. 

Trước tình hình trên, tổ chức phi lợi nhuận Mirror Foundation đã đưa ra một giải pháp tạm thời, đó là đào một hố sâu khoảng 5-6m và rộng 4x4 m để trữ bùn trước khi chuyển bùn đi nơi khác để xử lý. Ý tưởng này đã được đưa ra thử nghiệm tại nhà một người dân sống tại cộng đồng Muang Daeng. Công dân này đã tình nguyện hiến một phần đất của mình cho ý tưởng trên, với hy vọng góp phần loại bỏ bùn đất trong khu vực.

Đến nay, ở nhiều nơi thuộc thị trấn Mae Sai, các nhà chức trách và tình nguyện viên đang tiếp tục gia cố các bờ kè dọc sông Sai để phòng ngừa khả năng mưa lớn tái diễn trong vài ngày tới theo dự báo của Cục Khí tượng. Chính quyền đô thị Bangkok cũng đã cử 20 người cùng một số xe tải hút bùn tới Mae Sai để tham gia hoạt động dọn dẹp bùn lũ.

Theo ước tính của Phòng Thương mại Thái Lan (TCC), lũ lụt gần đây ở 33 tỉnh miền bắc và đông bắc Thái Lan đã gây thiệt hại cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ khoảng 30 tỷ baht (920,6 triệu USD), tương đương 0,17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. TCC cho biết khoảng 480.000 ha đất bị thiệt hại, trong đó có 192.000 ha đất nông nghiệp. Thiệt hại đối với khu vực nông nghiệp ước tính là 24,5 tỷ baht (750 triệu USD), đối với khu vực dịch vụ khoảng 5,12 tỷ baht (155 triệu USD) và đối với khu vực công nghiệp khoảng 171 triệu baht (hơn 5 triệu USD).

Chủ tịch TCC Sanan Angubolkul cho biết, lĩnh vực công nghiệp chịu ít thiệt hại nhất nhờ được chuẩn bị tốt để đối phó với lũ lụt.

Ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất là Chiang Rai (ước tính 6,4 tỷ baht), Phayao (khoảng 3,2 tỷ baht) và Sukhothai (khoảng 3 tỷ baht), đều thuộc miền bắc Thái Lan.

Hiện tình trạng lũ lụt ở Phitsanulok, cũng thuộc miền bắc Thái Lan, vẫn đang diễn biến nghiêm trọng khi nước từ thượng nguồn ở các tỉnh Phrae và Sukhothai tràn về, gây ngập lụt nhiều khu vực. Tại Mae Sai, mưa lớn từ 30/9 dự kiến kéo dài đến hết ngày 3/10 khiến nước sông Sai tiếp tục dâng cao và tràn bờ, gây nguy hiểm cho các khu vực vùng trũng vừa mới trải qua đợt lũ lụt nghiêm trọng vừa qua. Chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân nhanh chóng sơ tán tới khu vực an toàn hoặc di chuyển lên các địa điểm cao hơn để tránh lũ.

TCC cảnh báo, với lượng mưa được dự đoán nhiều hơn trong tháng này, tình trạng lũ lụt ở nhiều tỉnh thành của Thái Lan sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy các cơ quan chức năng phải nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động đến người dân, tài sản và nền kinh tế nói chung. Phó Chủ tịch TCC Vichai Assarasakorn đề xuất chính phủ xem xét lại cơ sở hạ tầng và chiến lược quản lý nước để giải quyết 2 vấn đề song song là lũ lụt và hạn hán, đang xảy ra thường xuyên và cực đoan hơn.

Mỗi năm, Thái Lan chi hơn 100 tỷ baht (hơn 3 tỷ USD) để bồi thường cho các nạn nhân của tình trạng lũ lụt và hạn hán vốn đang xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn.

Ngọc Tuấn