Print

Đình công tại hàng loạt cảng của Mỹ, ngưng trệ 50% hoạt động vận tải biển

Thứ Năm, 03 /10/2024 08:02

Hàng loạt công nhân bốc xếp tại các cảng biển ở Bờ Đông và Vịnh Mexico của Mỹ vừa tiến hành đình công và sự kiện được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này cùng chuỗi cung ứng trên toàn cầu. 

Vào sáng 1/10, sau khi đàm phán giữa đại diện của công nhân với đại diện của các cảng về một hợp đồng tiền lương mới không đạt kết quả. Nguyên nhân xuất phát từ việc ứng dụng tự động hóa trong vận hành, bốc xếp khiến nhu cầu lao động tại các cảng ngày càng giảm xuống.

Dòng chảy các loại hàng hóa từ thực phẩm, hoa quả tươi cho tới ô tô qua 36 cảng từ bang Maine đến bang Texas bị gián đoạn. Giới phân tích nhận định, cuộc đình công gây thiệt hại hàng tỷ đôla mỗi ngày, tác động tới nhiều người lao động trong chuỗi cung ứng và xa hơn nữa sẽ kéo theo lạm phát. 

Đây là cuộc đình công lần đầu tiên của Hiệp hội Công nhân cảng quốc tế (ILA) kể từ năm 1977. Động thái này đang gây hoang mang đối với các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ vốn phụ thuộc vào vận chuyển đường biển để xuất khẩu hàng hóa hoặc đảm bảo nhập khẩu các đơn hàng quan trọng. Steve Hughes- Tổng giám đốc điều hành công ty HCS International chuyên tư vấn nguồn cung quốc tế trong ngành ô tô cho rằng đình công đang khiến "cả đất nước lao đao" và ông tỏ ra quan ngại tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

ILA, đại diện cho 45.000 công nhân cảng, đã đàm phán với Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX), đơn vị bảo vệ quyền lợi cho các nhà tuyển dụng của ngành bốc xếp bờ Đông và Vịnh Mexico, về một hợp đồng 6 năm. Thời hạn đàm phán kết thúc vào trước nửa đêm 30/9 nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung. Theo Cơ quan quản lý cảng Virginia, do thỏa thuận chính giữa USMX và ILA hết hạn và không đạt được thỏa thuận mới nên công nhân cảng Virginia và các cảng khác dọc Bờ Đông và Vịnh Mexico đã đình công. USMX và ILA hiện chưa phản hồi thông tin trên.

Trước đó, lãnh đạo ILA Harold Daggett cho biết các nhà tuyển dụng như hãng vận hành tàu container Maersk và công ty con của hãng này là APM Terminals North America không đưa ra mức tăng lương phù hợp hoặc không chấp thuận yêu cầu dừng các dự án tự động hóa cảng.

Hôm 30/9, USMX cho biết họ đã đưa ra đề nghị tăng lương gần 50%.

Đây cũng được xem là vấn đề có thể gây khó khăn cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Tổng thống của Dân chủ, bà Kamala Harris trong cuộc đua sắp tới. Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã gặp cả USMX và ILA để thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, chính quyền đương nhiệm nhiều lần loại trừ việc sử dụng quyền hạn của liên bang để ngăn cản đình công trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Giới quan sát cảnh báo, hậu quả của cuộc đình công đối với giao thông hàng hải quốc tế có thể sẽ rất đáng kể. Công ty tư vấn tàu biển Eesea của Đan Mạch đã thống kê có 260 tàu container dự kiến sẽ đến các cảng bị ảnh hưởng trong 7 ngày tới. Việc ngừng hoạt động dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tất cả các loại tàu thương mại, và tình trạng ùn tắc tàu dọc theo Bờ Đông dự kiến sẽ xảy ra.

Bên cạnh đó, đình công sẽ ảnh hưởng đến các công ty hậu cần châu Âu và các dịch vụ cập cảng. "Cứ mỗi ngày ách tắc sẽ cần 5-7 ngày để giải quyết tồn đọng sau khi các bến cảng mở cửa trở lại", Michael Aldwell, thành viên Hội đồng Quản trị vận tải đường biển tại công ty vận tải biển lớn nhất thế giới Kühne+Nagel, khuyến cáo.

Ngân hàng HSBC dự báo, ngay cả khi cuộc đình công chỉ kéo dài một tuần, việc ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới 1,7% năng lực vận chuyển toàn cầu.

Hoàng Dương