Print

Bước tiến vững chắc trong nhận thức về BHYT HSSV

Thứ Năm, 03 /10/2024 23:26

Trách nhiệm của các trường học trong việc thực hiện chính sách BHYT HSSV đã được quy định cụ thể trong Luật BHYT và các văn bản của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT. Theo đó, Luật BHYT 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT. Hay như, theo Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế-Tài chính, cơ sở giáo dục có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc một năm/lần rồi chuyển nộp vào quỹ BHYT.

Trong những năm qua, các trường học đã không ngừng quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV. Nhà trường không còn xem đây là công việc của ngành BHXH, mà chủ động kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ những HSSV có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng y tế trường học. Qua đó, tạo ra một mạng lưới bảo vệ sức khỏe cho tất cả HSSV, giúp các em an tâm học tập và phát triển.

Tại Trường TH Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), công tác y tế trường học được lãnh đạo nhà trường đánh giá đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của các HS. Nhờ nguồn kinh phí từ quỹ BHYT chuyển về, trường đã cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất phòng y tế, trang bị đầy đủ thuốc men, thiết bị sơ cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cô Nguyễn Thị Luyến- nhân viên y tế Trường TH Trung Yên cho biết, mỗi ngày, cô khám cho khoảng 3-5 HS với các triệu chứng phổ biến như sốt, đau đầu, chóng mặt. Với những trường hợp nặng, cô nhanh chóng liên hệ phụ huynh và đưa HS đến cơ sở y tế gần nhất. “Không chỉ đảm bảo sơ cứu kịp thời, trường còn phối hợp với BV tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS. Những thông tin về sức khỏe của từng em được nhà trường thông báo cho phụ huynh, giúp họ nắm rõ và có biện pháp can thiệp sớm nếu con em mắc các bệnh như béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh về mắt, răng miệng…”- cô Luyến cho hay.

Những năm qua, Trường TH Trung Yên không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động HS tham gia BHYT. Vì thế, nhiều năm liền, trường luôn đạt tỷ lệ 100% HS tham gia BHYT. Theo cô Đồng Thị Ngọc- Hiệu phó Trường TH Trung Yên, để tạo sự đồng thuận trong phụ huynh và HS, đầu mỗi năm học, trường làm tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh HS và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHYT trên các trang thông tin của trường (Zalo, website) và trong các cuộc họp phụ huynh; đồng thời chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS.

“Để tiếp tục đạt tỷ lệ 100% HS tham gia BHYT, trong năm học này, nhà trường đã và đang kết hợp nhiều giải pháp và thực hiện theo trình tự hợp lý. Đặc biệt, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh, cán bộ, giáo viên thấy được BHYT không chỉ là hình thức đề phòng rủi ro bệnh tật và tai nạn bất thường, mà còn là biện pháp quan trọng góp phần giáo dục tính nhân đạo, lòng nhân ái trong cộng đồng đối với các em HS ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường”- cô Ngọc chia sẻ.

Từ nhiều năm nay, cứ vào đầu năm học mới, chị Nguyễn Thị Minh Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đều chủ động đóng tiền tham gia BHYT cho 3 con đang đi học. Chị Thu chia sẻ: “Năm nào tôi cũng dành tiền tham gia BHYT cho con. Có tấm thẻ BHYT, nếu lỡ không may con ốm đau phải nằm viện dài ngày, thì gia đình cũng đỡ gánh nặng về kinh tế. Hơn ai hết, tôi hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT, bởi trong gia đình đã từng có người nằm viện điều trị bệnh lâu dài”.

Cũng theo chị Thu, nhờ sự chia sẻ của các thầy cô giáo, chị và gia đình đã nhận thức rõ các con mình thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc, cũng như thấm thía ý nghĩa nhân văn của chính sách này. Vì thế, việc tham gia BHYT đã trở thành thói quen được duy trì đều đặn qua mỗi năm học. “BHYT có tính tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật, nên gia đình chị luôn tự giác tham gia cho con”- chị Thu cho biết thêm.

Nhiều năm liền, Trường THCS Yên Hòa là “điểm sáng” trên địa bàn Hà Nội khi đạt tỷ lệ 100% HS tham gia BHYT. Chia sẻ với PV Tạp chí BHXH, thầy Đặng Văn Quảng- Hiệu phó Trường THCS Yên Hòa cho biết: Hiện tại, Trường THCS Yên Hòa đã trang bị phòng y tế và bố trí một nhân viên y tế chuyên trách trực tiếp chăm sóc sức khỏe HS. Trường cũng thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế phường tổ chức tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh. “Phát huy thành tích đạt được, năm học 2023-2024, Trường THCS Yên Hòa tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, quyết tâm giữ vững tỷ lệ 100% HS tham gia BHYT”- lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh.

Nhằm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho HSSV, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc trích kinh phí từ quỹ BHYT phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục. Những năm qua, số kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu phân bổ cho các cơ sở giáo dục liên tục tăng, cụ thể: Năm 2020, các cơ sở giáo dục được cấp 603,7 tỷ đồng; năm 2021 là 656,7 tỷ đồng; năm 2022 là 696,3 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí trên được sử dụng để chi mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV khi bị tai nạn thương tích hoặc các trường hợp bệnh thông thường trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tủ tài liệu quản lý hồ sơ sức khỏe tại cơ sở giáo dục. Thực tế cho thấy, nguồn kinh phí này đã giúp nâng cao chất lượng y tế trường học; đặc biệt giúp theo dõi, kiểm tra, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sức khỏe để dự phòng, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho thế hệ trẻ, giúp các em phát triển toàn diện.

Thực hiện và trình bày: Hà Hùng