Print

NLĐ Singapore đau đầu với vấn nạn lừa đảo tuyển dụng

Thứ Tư, 09 /10/2024 16:11

Một cuộc khảo sát cho thấy, cứ 2 người Singapore tham gia khảo sát thì có gần 1 người (48%) từng là nạn nhân của lừa đảo tuyển dụng ít nhất 1 lần.

Một lao động nữ họ Lý, 21 tuổi, cho biết, hồi tháng 5/2024, một nhà tuyển dụng liên hệ qua Telegram chào mời cô tham gia công việc tiếp thị; trong đó, có việc đăng tin rao bán bất động sản trên các nền tảng mạng xã hội. Nghĩ rằng đây là cơ hội tốt, cô đã đồng ý và thậm chí còn rủ thêm một vài người bạn cùng tham gia. Vài ngày sau khi được tuyển dụng, cô và bạn bè được yêu cầu mở một tài khoản ngân hàng mới để chuyển tiền hoa hồng vào. Sau đó, họ được yêu cầu cung cấp tên người dùng và mật khẩu cho nhà tuyển dụng.

"Sau khi chúng tôi cung cấp thông tin tài khoản, nhà tuyển dụng đã thay đổi email, số điện thoại và mật khẩu của tài khoản”- Cô Lý cho biết- “Vì vậy, về cơ bản chúng tôi không thể truy cập vào tài khoản. Trong 1 tháng sau đó, chúng tôi được thù lao cho công việc như cam kết nhưng cũng bắt đầu cảm thấy có điều gì đó đáng ngờ. Một người bạn của tôi tình cờ nhận được sao kê tài khoản ngân hàng vào tháng 5 và vô cùng sốc khi phát hiện nhiều giao dịch đáng ngờ từ tài khoản của cô ấy, lên tới 200.000 đô-la Singapore, mà cô ấy không hề thực hiện. Chúng tôi ngay lập tức gọi điện đến ngân hàng để khóa tài khoản cá nhân và báo cảnh sát”.

Theo Báo cáo tóm tắt thường niên về Lừa đảo và tội phạm mạng do Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF) công bố, lừa đảo tuyển dụng là hình thức lừa đảo phổ biến nhất năm 2023. Một cuộc khảo sát do AsiaOne thực hiện vào Quý II/2024 cho thấy, cứ 2 người tham gia khảo sát thì có gần 1 người (48%) từng là nạn nhân của lừa đảo, trong đó có lừa đảo tuyển dụng, ít nhất 1 lần. 45% số người được hỏi cho biết, từng bị người mạo danh là viên chức Chính phủ liên hệ, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền. 30% số người nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ người mạo danh là bạn thân và yêu cầu chuyển tiền.

Đa số người tham gia khảo sát (trên 90%) nghĩ rằng, việc thiếu hiểu biết, nhận thức về các trò lừa đảo và lòng tham là 2 nguyên nhân khiến mọi người “mắc bẫy”. 3 trong số 10 người được hỏi (28%) thông tin, họ đã từng là nạn nhân bị lừa đảo. 49% nói họ chưa bị lừa đảo nhưng biết một ai đó đã từng bị lừa đảo. 77% tin rằng người cao tuổi/người đã nghỉ hưu đặc biệt có nguy cơ bị lừa đảo.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)