Print

Các triệu phú lớn sắp rời khỏi Anh?

Thứ Năm, 10 /10/2024 08:06

Anh sắp phải chứng kiến làn sóng di cư của những triệu phú lớn nhất thế giới trước kế hoạch của chính phủ nước này nhằm vào những người nhập cư bất hợp pháp, theo phân tích được báo Telegragh đăng tải hôm 8/10.

Telegraph dẫn phân tích của Viện Adam Smith và dự báo từ UBS chỉ ra rằng, số triệu phú tại Anh được dự đoán sẽ giảm 20% trong nhiệm kỳ Quốc hội này, từ mức chiếm 4,55% tổng dân số hiện tại xuống còn 3,62% trong 5 năm tới. Điều đó trái ngược với các nước như Đức, Pháp và Italy- nơi số lượng triệu phú dự kiến sẽ tăng lên.

Những lý do chính khiến cư dân giàu có rời bỏ nước Anh bao gồm thuế cao, thay đổi trong các quy định dành cho người không cư trú.

Một trong những cam kết quan trọng trong bản tuyên ngôn của Công đảng là chiến dịch trị giá 1 tỷ bảng Anh nhằm trấn áp những người không cư trú tại Anh (còn được gọi là non-dom), những người không có ý định cư trú lâu dài hoặc vô thời hạn tại Anh. Tuy nhiên, một số nguồn thạo tin cho biết Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves, người đứng đầu Công đảng, đang xem xét lại chính sách này. Bà lo ngại nếu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, nhiều người nước ngoài sẽ buộc phải rời đi và như vậy có thể gây tổn hại đến nguồn thuế quan trọng cho ngân sách quốc gia.

Nghiên cứu mới nhất này cho thấy Bộ Tài chính Anh cần xem xét lại chính sách và cũng có nhiều đồn đoán rằng Bộ trưởng Reeves sẽ nới lỏng các quy định về thuế thừa kế để thu hút các nhà đầu tư và triệu phú quay trở lại.

Trước đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi đã kêu gọi bà Reeves bãi bỏ các chính sách chống người nhập cư và giảm thuế tài sản sắp tới. Ông cho rằng "tốc độ các triệu phú rời khỏi Anh là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào cả chế độ thuế và quản lý hiện tại của chúng ta". Việc những cá nhân này, thường là doanh nhân và chủ doanh nghiệp, rời đi không chỉ làm giảm nguồn quỹ cần thiết cho các dịch vụ công mà còn làm suy yếu đầu tư vào nền kinh tế.

Viện Adam Smith nhấn mạnh thêm, những người giàu có đóng góp một phần thuế "không cân xứng", với 1% những người có thu nhập cao nhất đóng góp 29% tổng thuế thu nhập. Do đó, sự ra đi của họ sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong ngân sách quốc gia.

"Chúng tôi đang giải quyết tình trạng bất công trong hệ thống thuế để có thể tăng doanh thu nhằm xây dựng lại các dịch vụ công của mình", đại diện Bộ Tài chính Anh nói.

Một báo cáo gần đây của Trung tâm Phân tích Thuế cũng đã đề xuất việc áp dụng "thuế xuất cảnh" đối với các doanh nhân và chủ doanh nghiệp rời khỏi Anh. Theo nghiên cứu, nhiều nhà đầu tư có cổ phần trị giá hơn 5 tỷ bảng Anh đã rời khỏi Anh trong 12 tháng tính đến tháng 4 năm nay. Hệ quả là Bộ Tài chính Anh có thể đã bỏ lỡ hơn 500 triệu bảng Anh tiền thuế lãi về vốn mà đáng ra có thể thu được.

Theo Phó giáo sư Andy Summers thuộc trường Kinh tế London, cũng là Giám đốc Trung tâm trên, các quốc gia như Australia và Canada đã áp dụng "thuế xuất cảnh" đối với những người rời khỏi đất nước. Ông khẳng định việc tính thuế này đối với những người rời khỏi Anh không nhằm trừng phạt họ mà chỉ đơn giản là yêu cầu họ thanh toán nghĩa vụ thuế trước khi rời đi.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, việc quản lý tình hình di cư của những triệu phú và tài sản lớn sẽ là một thách thức lớn đối với chính phủ Anh. Sự ra đi của họ không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia mà còn định hình tương lai kinh tế của nước này.

Ngọc Tuấn