Print

Hà Nội và những cửa ô

Thứ Năm, 10 /10/2024 09:10

Hà Nội chỉ có 5 cửa ô? Những cửa ô của Thủ đô gắn với lịch sử phát triển ra sao? Những thắc mắc này được giải đáp trong trưng bày tài liệu lưu trữ chủ đề Hà Nội và những cửa ô đang diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long.

Trưng bày Hà Nội và những cửa ô do Sở Nội vụ TP.Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức, là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Trưng bày giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh quý giá về lịch sử hào hùng của Thăng Long-Hà Nội, đặc biệt là những hình ảnh thân thuộc của các cửa ô đã gắn bó với người dân Hà Nội từ bao đời nay.

Thông qua các nguồn sử liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu Hán Nôm và tiếng Pháp, trưng bày tái hiện lịch sử các cửa ô của Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô và sự biến mất của hầu hết các cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Sử sách ghi chép lại, năm 1749, chúa Trịnh Doanh đã cho đắp một tòa thành đất bao bọc khu Hoàng thành Thăng Long, xung quanh bên ngoài có hào nước sâu cắm chông bảo vệ. Trên thân thành đất mở ra 8 cửa để cho người dân qua lại. Kiến trúc mỗi cửa được thiết kế gồm cửa chính và 2 ô cửa phụ hai bên, trên cửa có vọng lâu canh gác nên còn gọi là ô môn. Tất cả 8 cửa đều có kích thước, hình dạng giống nhau. Tên gọi “cửa ô” lần đầu xuất hiện trong lịch sử kinh thành Thăng Long.

Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác. Một điểm đặc biệt khác, đó là phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch. Phía Tây có 2 cửa, phía Nam có 3 cửa ra sông Tô Lịch; lối ra sông Hồng có 11 cửa. Lý do là bởi thời đó, đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông... Người dân từ các làng nghề ngoại thành có thể mang các sản vật, nông sản vào kinh thành trao đổi, mua bán thông qua các cửa ô này; thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền, đồng thời hình thành nên bản sắc đô thị độc đáo cho đất Thăng Long xưa.

Theo Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, Hà Nội ghi nhận từng có 21 cửa ô trong lịch sử. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, phần lớn các cửa ô đã dần biến mất, chỉ còn lại trong ký ức của những người Hà Nội xưa. Dẫu vậy, hình ảnh cửa ô vẫn còn được lưu giữ trong các tác phẩm nghệ thuật, thơ ca… Trong ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao có câu Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào… Đó là Ô Chợ Dừa, Ô Đông Mác, Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền và Ô Quan Chưởng. Nhưng, hiện nay chỉ còn duy nhất cổng thành Ô Quan Chưởng (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) còn khá nguyên vẹn.

PGS.TS.Trần Đức Cường- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Hình ảnh cửa ô đã khắc sâu trong tâm trí của bao thế hệ người Hà Nội, dù họ còn sinh sống trên mảnh đất thân yêu này hay đã tỏa đi khắp bốn phương trời. Nhớ Hà Nội là nhớ về những ngõ nhỏ, phố nhỏ gắn với những cửa ô, dù bóng dáng của những cửa ô này chỉ còn hiện hữu qua hình ảnh của Ô Quan Chưởng (Ô Thanh Hà)”.

Trưng bày Hà Nội và những cửa ô với 3 chủ đề chính: Cửa ô xưa; Cửa ô chiến thắng và Cửa ô Hà Nội hôm nay sẽ một lần nữa ngược dòng thời gian, đưa người dân trở về với những ký ức đẹp của Thăng Long-Hà Nội. Trưng bày mở cửa đến hết ngày 30/10 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 9 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội.

Minh Anh