Bánh xe nước giúp giữ lại rác thải nhựa ở Panama
Các chuyên gia khuyến cáo, đến năm 2050, các đại dương trên thế giới có thể chứa nhiều rác thải nhựa hơn cá.
Mặc dù LHQ đang nỗ lực đàm phán một hiệp ước toàn cầu có ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa nhưng những biện pháp như vậy sẽ không tạo ra sự thay đổi trong “một sớm, một chiều”. Rác thải nhựa đại dương đang trên đà tăng gấp đôi trong 15 năm tới, báo hiệu một tương lai ảm đạm không chỉ đối với các tuyến đường thủy và sinh vật biển, mà còn đối với sức khỏe con người. Hiện vi nhựa đã được phát hiện trong máu người và có nhiều bằng chứng cho thấy, không ít bệnh mãn tính có thể liên quan đến việc tiếp xúc với vi nhựa.
Tại Cộng hòa Panama, cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường Mirei Endara de Heras luôn trăn trở về việc quốc gia này hằng năm thải ra lượng rác thải nhựa gần gấp đôi so với các quốc gia khác ở châu Mỹ Latinh: “Tính riêng Panama City đã thải ra khoảng 4.400 tấn rác thải/ngày. Trong số rác thải đó, gần 30% không được thu gom đúng cách. Rất nhiều rác thải xâm chiếm hệ thống sông ngòi và bao phủ đại dương. 90% các loài sinh vật biển trên thế giới bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa”. Thay vì chờ đợi các cấp, ngành đề xuất giải pháp, bà Mirei Endara de Heras quyết định hành động.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Bộ trưởng (2014-2017), bà Mirei Endara de Heras trở thành Người Đồng sáng lập và Chủ tịch Marea Verde Foundation- Tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực môi trưởng. Một trong những nỗ lực của Marea Verde Foundation là lắp đặt máy gom rác có tên là Wanda trên sông Juan Diaz (Panama City, Panama). Chiếc máy thu gom rác chạy bằng bánh xe nước và tấm pin mặt trời này đã ngăn chặn hàng trăm tấn rác thải nhựa và rác thải khác từ Panama trôi dạt vào rừng ngập mặn hay đại dương.
“Bắt đầu từ 2 năm trước, chúng tôi đưa Wanda vào vận hành”- Bà Laura Gonzalez, Giám đốc Điều hành Marea Verde Foundation cho biết- “Từ đó đến nay, chúng tôi đã thu gom được 256.000kg rác thải nhựa và rác thải khác thông qua Wanda. Sau khi phân loại bởi công nhân, rác thải được chuyển bằng băng chuyền dài, đến một xưởng lớn để tái chế. Để đề phòng trường hợp hệ thống thủy điện khai thác năng lượng từ sông ngòi bị trục trặc, Wanda có các tấm pin mặt trời để vận hành xuyên suốt. Rác thải nhựa mà Wanda thu gom được chủ yếu là chai nhựa, lọ đựng nhu yếu phẩm, bóng đá… và đồ chơi các loại”.
Tuy nhiên, do không có con sông nào khác ở Panama có hệ thống thu gom, phân loại và tái chế tương tự, vì vậy hằng năm vẫn có hàng tấn rác thải các loại tiếp tục đổ ra rừng ngập mặn và đại dương. Không chỉ vậy, rác thải các loại không được thu gom đúng cách còn phổ biến trên đường phố, khu dân cư và các khu vực xung quanh của Panama khiến môi trường, cùng đời sống và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Marea Verde Foundation cho biết, trên thế giới họ có 8 cơ sở thu gom và tái chế, song Wanda là cơ sở duy nhất thuộc hình thức này ở châu Mỹ Latinh. Dự án bắt đầu hoạt động vào tháng 9/2022 và thu gom được khoảng 120 tấn rác thải ngay trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, lượng rác thải các loại đổ xuống sông ngòi vẫn tiếp tục tăng và năm nay, Marea Verde Foundation có thể đạt được nhiều hơn số rác thải đã thu gom được trong năm đầu tiên”.
Tùng Anh (Theo MVF)