Print

WWF: Quần thể động vật hoang dã toàn cầu giảm mạnh 73% chỉ trong 50 năm

Thứ Hai, 14 /10/2024 12:26

Tại Báo cáo Sự sống hành tinh-Living Planet Report được công bố thường niên, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature, WWF) cảnh báo, quần thể động vật hoang dã toàn cầu giảm mạnh 73% chỉ trong 50 năm, từ năm 1970 đến năm 2020.

Báo cáo của WWF dựa trên sự theo dõi khoảng 35.000 xu hướng dân số của 5.495 loài động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát, cá… và đưa ra "cảnh báo sớm về nguy cơ tuyệt chủng". Theo đó, chỉ trong 50 năm, từ năm 1970 đến năm 2020, quần thể động vật hoang dã toàn cầu giảm mạnh 73%. Trong đó, quần thể sinh sống ở nước ngọt có mức suy giảm nặng nề nhất ở mức 85%; quần thể trên cạn và dưới biển lần lượt giảm 69% và 56%.

Ở cấp độ khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là khu vực chịu tổn thất lớn nhất, với mức giảm 95%; Châu Phi giảm 76%, trong khi châu Á-Thái Bình Dương giảm 60%. Bên cạnh đó, các khu vực có “mức giảm ít đáng kể hơn” là Bắc Mỹ (39%); Châu Âu, Trung Á (cùng 35%).

Như vậy, theo WWF, mất và suy thoái môi trường sống vẫn là "mối đe dọa được ghi nhận nhiều nhất đối với quần thể động vật hoang dã toàn cầu". Nguyên nhân chính là nạn phá rừng và sự thay đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến mất môi trường sống đáng kể của động vật hoang dã và suy thoái đất. Ngoài ra, sản xuất lương thực, khai thác đất đai quá mức, các loài xâm lấn, biến đổi khí hậu và ô nhiễm nói chung cũng là những yếu tố dẫn đến sự suy giảm của quần thể động vật hoang dã.

Đáng chú ý, nhiều quần thể động vật hoang dã đã vượt qua ngưỡng quan trọng của sự suy thoái và không thể thay đổi tình thế trong “một sớm, một chiều”. Các quần thể sẽ ngày càng dễ bị tổn thương đến cực điểm; ví dụ, các chuyên gia dự đoán, ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu được giữ ở mức giới hạn 1,5°C, thì ước tính 70-90% rạn san hô trên toàn cầu vẫn có thể bị “chết”, làm mất đi môi trường sống; nơi sinh sản và đảo lộn sức khỏe của hệ sinh thái dưới nước. Không chỉ vậy, còn ảnh hưởng đến đời sống con người, gây hại cho ngành thủy sản và khiến nhiều ngôi làng ven biển không có khả năng tự bảo vệ khỏi bão lụt.

Trong khi đó, các thỏa thuận toàn cầu, chẳng hạn Thỏa thuận Paris hay các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của LHQ, đã được thực hiện nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tính đến năm 2020, hơn một nửa các Mục tiêu SDG cho năm 2030 không đạt được, thậm chí có 30% bị đình trệ hoặc chậm hơn so với mục tiêu ban đầu năm 2015. Vì vậy, theo WWF, các Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái.

Đồng thời, nghiên cứu giảm phát thải khí nhà kính; kêu gọi chuyển đổi nhanh hơn, xanh hơn và công bằng hơn trong lĩnh vực năng lượng liên quan đến việc cân bằng nhu cầu hệ sinh thái; sản xuất theo hướng tích cực với thiên nhiên đáp ứng nhu cầu của con người, song song với có biện pháp giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm; “mở rộng nguồn tài trợ công và tư để cho phép hành động ở quy mô lớn" và "loại bỏ các hoạt động có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và khí hậu"; nâng cao hợp tác của các cơ quan chức năng nhằm "chuyển hướng tài chính khỏi các hoạt động có hại và hướng tới các hoạt động có thể đạt được các mục tiêu toàn cầu".

Tùng Anh (Theo WWF)