Dịch bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở 15 nước châu Phi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 11/10, thông báo đã có 15 quốc gia ở khu vực châu Phi bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) trong năm 2024.
Theo cảnh báo của WHO, việc chẩn đoán chậm trễ cùng với những khó khăn trong tiếp cận điều trị và sự xuất hiện của nhiều chủng virus khác nhau đang làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.
Theo báo cáo mới nhất của WHO về dịch Mpox ở châu Phi, 15 nước ở châu lục này đang chứng kiến Mpox lây lan, có nghĩa là những nước này đã có các trường hợp mắc bệnh trong 6 tuần qua. Trong số đó, Ghana là quốc gia mới nhất bị ảnh hưởng của đợt bùng phát khi xác nhận ca bệnh đầu tiên hồi đầu tháng 10.
Kể từ đầu năm đến ngày 29/9, khu vực châu Phi đã có tổng cộng 37.325 trường hợp nghi nhiễm Mpox- bao gồm 996 ca tử vong và 6.602 ca được xác nhận sau đó, với phần lớn tập trung ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
WHO cho biết, Cộng hòa Dân chủ Congo- nơi có tới 30.766 trường hợp nghi nhiễm đang đối mặt với tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình do chẩn đoán chậm trễ và tiếp cận điều trị kém ở một số vùng. Do năng lực chẩn đoán hạn chế, chỉ có 39% số trường hợp nghi ngờ ở quốc gia này được làm xét nghiệm và tỷ lệ dương tính chiếm khoảng 55%.
Cũng theo WHO, châu Phi hiện nay vẫn đang phải vật lộn với nhiều chủng virus khác nhau, khiến các nỗ lực ứng phó càng trở nên phức tạp. Nhánh Ia của virus đậu mùa khỉ đang lưu hành ở Cộng hòa Trung Phi, trong khi nhánh Ib hiện diện ở Uganda, Rwanda và Burundi, và nhánh IIb được ghi nhận ở Nigeria và Nam Phi, tất cả những điều này làm tăng thêm sự phức tạp trong việc quản lý đợt bùng phát ở các quốc gia bị ảnh hưởng.
WHO nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết hiện nay là phải tăng cường năng lực phòng xét nghiệm, củng cố hệ thống giám sát và cải thiện phối hợp xuyên biên giới. Tổ chức này kêu gọi các quốc gia châu Phi hãy tập trung vào phát hiện sớm, triển khai các chiến dịch tiêm chủng có mục tiêu và đẩy mạnh các biện pháp can thiệp y tế công cộng, đặc biệt là ở những nơi có số ca bệnh tăng.
Báo cáo mới nhất này của WHO không nêu tên Zambia - quốc gia đã công bố vào ngày 10/10 rằng họ đã phát hiện trường hợp mắc bệnh mMox đầu tiên là một công dân Tanzania đang có mặt ở thị trấn Chitambo thuộc tỉnh Central.
Trong một diễn biến khác, giới chức y tế Mỹ ngày 10/10 thông báo đã phát hiện một nhóm người nhiễm biến thể của virus Mpox có khả năng kháng lại thuốc kháng virus tecovirimat (TPOXX) của Siga Technologies tại 5 bang của nước này. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, các trường hợp kháng thuốc liên quan đến tổng cộng 18 cá nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ do chủng virus Clade 2 gây ra trong khoảng thời gian từ ngày 6/10/2023 đến ngày 15/2/2024. Điều đáng chú ý là họ đều chưa từng dùng thuốc điều trị trước đó.
Các trường hợp nhiễm chủng Clade 2, vốn là chủng virus đặc hữu ở khu vực Tây Phi, đã gây ra một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu vào năm 2022 và tiếp tục lây lan ở mức độ thấp ở một số quốc gia. Các quan chức y tế nhận định, các ca mới nhiễm chủng Clade 2 có thể đã bị đánh giá thấp vì không phải tất cả các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đều được giải trình tự gene để xác định biến thể gây nhiễm bệnh. Các tác giả báo cáo khuyến nghị cần giám sát thường xuyên để theo dõi sự xuất hiện hiện tượng kháng thuốc, nhằm duy trì hiệu quả của thuốc TPOXX, vốn là một trong số ít loại thuốc được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Ngày 14/8, WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca mắc biến thể Clade 1b- dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.
Hoàng Dương