Phát huy thế mạnh xác thực sinh trắc học
Theo bà Lê Minh Lý, trước đây, tại các cơ sở y tế, cán bộ y tế phải tự xác thực CCCD và thẻ BHYT bằng mắt thường khi đón tiếp bệnh nhân, qua quy trình 4 bước. Trong đó, chỉ riêng việc đối chiếu so khớp thông tin bằng mắt thường, nhập thông tin vào hệ thống, thời gian đi lại ở các địa điểm trên ước tính không dưới 10 phút. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ.
Còn với quy trình xác thực sinh trắc, 4 bước nay được rút gọn còn 2 bước do đã kết hợp xác thực sinh trắc và tra cứu thẻ BHYT, phân luồng vào KCB ngay từ đầu. Thời gian trung bình xác thực từ 6-13 giây/lượt, độ chính xác rất cao.
Tại BVĐK tỉnh Bình Dương, ước tính 70-80% tổng số người dân từ đủ 14 tuổi trở lên chọn xác thực sinh trắc vân tay khi KCB BHYT.
Theo bà Lê Minh Lý, không chỉ trong KCB BHYT, lợi ích của việc triển khai xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cũng rất lớn. Trước đây, cán bộ tại bộ phận "Một cửa" phải tự kiểm tra xem CCCD thật hay giả và khó xác định chính xác; tự kiểm tra người xuất trình CCCD và thông tin trên CCCD có phải là một hay không, thì nay tại những đơn vị triển khai thí điểm đã bố trí riêng quầy thực hiện sinh trắc khi người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp (hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, điều chỉnh sổ, gộp sổ…).
Theo BHXH tỉnh Bình Dương, khi đến nộp hồ sơ, người dân sẽ được cán bộ bộ phận "Một cửa" hướng dẫn đến quầy sinh trắc trước khi thực hiện quy trình nộp hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ đối chiếu hồ sơ và sinh trắc vân tay với CCCD gắn chip. Nếu thực hiện sinh trắc thành công, cán bộ sẽ tiếp nhận hồ sơ. Nếu sinh trắc không thành công, cơ quan BHXH sẽ xem xét và kiểm tra các giấy tờ tùy thân khác; đồng thời phối hợp cơ quan Công an để kiểm tra xác thực với dữ liệu dân cư quốc gia. Từ khi triển khai tới nay, đơn vị đã thực hiện sinh trắc cho hàng chục ngàn người đến nộp hồ sơ, qua đó phát hiện một số trường hợp sử dụng CCCD giả để làm hồ sơ hưởng chế độ. Với 2 trường hợp sử dụng CCCD giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần, BHXH tỉnh đã phối hợp với Công an phường Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một) tiến hành xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. 15 trường hợp sử dụng chứng từ giả (1 giấy chứng sinh, 14 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH) cũng được chuyển cho cơ quan Công an xác minh làm rõ.
Theo bà Lê Minh Lý, hiện nay một số loại giấy tờ, đặc biệt là giấy tờ tùy thân được làm giả tinh vi, khó nhận dạng bằng mắt thường, nên việc hỗ trợ công cụ để có thể xác thực danh tính người thụ hưởng chế độ là hết sức cấp bách. “BHXH Việt Nam sớm triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc trên toàn quốc; đồng thời cần nâng cấp phần mềm nghiệp vụ để lưu lại thông tin lẫn lịch sử sinh trắc của người làm hồ sơ để sau này còn đối chiếu”- bà Lý kiến nghị.
Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh Bình Dương, việc triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD tích hợp xác thực sinh trắc tại các cơ sở y tế đã mở ra một hướng đi mới mang tính đột phá trong công tác cải cách TTHC, tạo tiện ích xã hội tại các cơ sở KCB. Đó là giảm thiểu thời gian, giảm các loại giấy tờ cho người dân khi làm thủ tục đăng ký KCB BHYT.
Trước đây, số thứ tự đăng ký vào KCB BHYT được lấy ngẫu nhiên và đã xuất hiện tình trạng mua bán số thứ tự vào KCB (người bệnh đến muộn nhưng vẫn có số vào khám trước). Khi triển khai cây máy tự động tiếp đón, số thứ tự đăng ký vào KCB trong một buổi được cấp duy nhất 1 lần theo mã thẻ BHYT và thông tin xác thực sinh trắc của người bệnh nên bảo đảm được nguyên tắc công bằng trong việc lấy số thứ tự vào KCB BHYT, ai đến làm thủ tục xác thực trước thì khám trước.
Cùng với đó là tiết kiệm được nhân lực, giảm tải thời gian, áp lực ùn tắc, “thắt nút cổ chai” cho cơ sở y tế tại bộ phận tiếp đón người bệnh, nhất là trong giờ cao điểm. Khi triển khai máy tự động tiếp đón, trung bình một buổi cơ sở y tế tiết kiệm được tổng thời gian tiếp đón từ khoảng 1-1,5 giờ. Và đặc biệt là phương thức này đã khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT, dùng thẻ BHYT giả đi KCB, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý KCB BHYT.
Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ việc áp dụng sinh trắc vân tay trong KCB BHYT, vừa qua, TTYT TP.Tân Uyên (Bình Dương) đã triển khai mô hình KCB sử dụng sinh trắc học, kiosk tự phục vụ. Theo đó, hệ thống Kiosk tự phục vụ bao gồm các tính năng: Đăng ký khám bệnh, lấy số thứ tự tự động; tự tra cứu thông tin KCB một cách chủ động; tự tra cứu bảng giá dịch vụ và viện phí; chủ động tìm kiếm khoa, phòng bệnh; thanh toán viện phí trực tuyến; khảo sát đánh giá dịch vụ.
Người dân khi đến KCB tại TTYT Tân Uyên chỉ cần sử dụng CCCD gắn chíp hay tài khoản VNeID sẽ được hướng dẫn lấy phiếu đăng kí KCB ngay tại kisok tự phục vụ. Quy trình sử dụng trên kiosk với 5 bước đơn giản từ việc chọn phòng khám, xác thực thông tin, khuôn mặt, đến xác nhận đăng kí và nhận phiếu khám với tổng thời gian chỉ mất từ 1-2 phút. Ngoài ra, hệ thống kiosk cũng cho phép người bệnh tự lựa chọn 1 trong 8 phương thức như khám BHYT, khám theo yêu cầu, khám lại theo lịch hẹn hay khám chọn bác sĩ…
Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả hơn và nhân rộng mô hình này tại các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hồng Chương- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương đề nghị TTYT Tân Uyên và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát điều kiện cơ sở hạ tầng để phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhân rộng mô hình này tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn. Đề nghị VNPT, Viettel Bình Dương và các DN cung cấp phần mềm Quản lý BV (HIS), các ngân hàng liên kết thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt cho các cơ sở y tế có chính sách miễn hoặc giảm phí kết nối HIS với kiosk; tạo điều kiện, tích cực hỗ trợ đơn vị triển khai mô hình được thuận lợi...
Bài: Lê Văn
Đồ họa: Thanh An