Print

Thuế thuốc lá ở Việt Nam quá thấp

Thứ Năm, 17 /10/2024 19:27

Đó là nhận định của các chuyên gia thuộc Bộ Y tế và Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu, trong hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm nay (17/10) tại TP.HCM, liên quan đến vấn đề truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá.

Theo ThS.Nguyễn Thị Thu Hương- Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Việt Nam đang áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo tỷ lệ 75% trên giá xuất xưởng. Trong khi đó, thông lệ quốc tế là thuế suất tiêu thụ đặc biệt phải được áp trên giá bán lẻ. Nếu “phiên ngang” tỷ lệ 75% trên giá xuất xưởng thuốc lá sang giá bán lẻ, thì thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá ở Việt Nam hiện mới ở mức 38,8%. “So với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới- WHO, là từ 70% tới 75%, thuế thuốc lá ở Việt Nam quá thấp”- bà Hương nhận xét.

Sở dĩ phải bàn tới thuế trong vấn đề phòng chống tác hại thuốc lá, chuyên gia nói rằng, có 2 cách để hạ giảm tác hại thuốc lá: Hạn chế khả năng cung ứng thuốc lá và hạn chế nhu cầu sử dụng thuốc lá. Cả 2 cách này có thể tiến hành độc lập hoặc đồng thời, tùy vào chiến lược của từng quốc gia. Đối với cách hạn chế nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để điều tiết. Vì vậy, với mức thuế thuốc lá hiện quá thấp so với khuyến nghị của WHO, hiệu quả hạn chế nhu cầu sử dụng thuốc lá ở Việt Nam cũng thấp theo.

Phân tích sâu hơn về khía cạnh kinh tế, ThS.Đào Thế Sơn- Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu- Vital Strategies, nói rằng thuế tiêu thụ đặc biệt được áp với thuốc lá để bù vào khoản nội sinh và ngoại sinh mà bản thân nhà sản xuất không chịu, song người tiêu dùng và xã hội phải gánh chịu hoàn toàn. Cụ thể, ông Sơn đưa ra bài toán: Mỗi năm ở Việt Nam phải chi 108.000 tỷ đồng cho y tế vì tác hại thuốc lá; lấy số tiền này chia cho tổng số gói thuốc lá cung ứng mỗi năm sẽ cho kết quả 25.000 đồng. Như vậy, với một gói thuốc lá giá thành trung bình 15.000 đồng như hiện nay, phải cộng thêm 25.000 đồng nữa mới gọi là “tính đúng, tính đủ”.

Liên quan tới thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá lai giữa 2 loại này...), các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cơ quan chức năng cần cứng rắn hơn nữa mới đạt mục tiêu bảo vệ giới trẻ khỏi tác hại thuốc lá. “Một lệnh cấm toàn diện từ Quốc hội hay Chính phủ đối với thuốc lá thế hệ mới, cả nhập khẩu, phân phối và sử dụng, là hết sức cần kíp”- bà Hương nhấn mạnh. Chuyên gia cũng lên tiếng báo động về vấn đề quảng bá thuốc lá thế hệ mới trên các mạng xã hội (TikTok, Facebook...)- vốn cấm kỵ đối với truyền thông chính thức (báo chí, truyền hình...).

Thanh Giang