Print

Bình Phước: Phấn đấu hết năm 2025 không còn hộ nghèo

Thứ Ba, 22 /10/2024 16:32

Xác định các hộ nghèo nói chung, hộ nghèo DTTS nói riêng có nhiều trường hợp khác nhau như: nghèo do không có vốn sản xuất; nghèo do ốm đau, tai nạn; không biết cách làm ăn… Từ đó, tỉnh Bình Phước đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp theo tinh thần “4 rõ” nhằm tạo động lực để người nghèo vươn lên.

Trước đây, mỗi hộ nghèo chỉ được hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, vốn vay... theo hình thức thụ động từ trên xuống vì đó là chính sách chung cho tất cả người nghèo. Do các chính sách hỗ trợ không phân biệt hộ nghèo là người Kinh hay đồng bào DTTS. Nhưng Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của Bình Phước mang tính đặc thù và được thực hiện theo phương châm “1 trung tâm- 3 trụ cột- đa tiếp cận”. Tức là lấy người nghèo làm trung tâm, kết hợp 3 trụ cột, gồm: Lồng ghép nguồn vốn tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc, huy động các tầng lớp xã hội cùng tham gia.

Với 34 DTTS, hơn 57.000 người, chiếm hơn 40% dân số, huyện Bù Đăng được ví như một Bình Phước thu nhỏ. Đầu năm 2019, toàn huyện vẫn còn 1.488 hộ nghèo, 790 hộ cận nghèo, trong đó 959 hộ nghèo và 449 hộ cận nghèo DTTS. Thế nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS, bằng các nguồn lực hỗ trợ, huyện đã bố trí hơn 120 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 586 hộ; đất ở cho 35 hộ; nhà vệ sinh cho 127 hộ; nước sinh hoạt cho 616 hộ; chuyển đổi nghề cho 1.356 nhu cầu; kéo điện cho 316 hộ; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 57 hộ.

“Cùng với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Nhờ đó, giai đoạn 2019- 2023, toàn huyện đã giảm được 1.430 hộ nghèo. Đây là kết quả vô cùng to lớn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chương trình, được đông đảo người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đồng tình, ủng hộ cao”- ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết.

Ông Mai Xuân Tuân- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước cho biết, để phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, Sở LĐ-TB&XH đã căn cứ vào chỉ tiêu giảm nghèo của từng địa phương, riêng với hộ nghèo DTTS dựa theo danh sách đăng ký thoát nghèo. Các địa phương khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ để lập kế hoạch đề nghị bổ sung những chỉ tiêu còn thiếu hụt. Trên tinh thần đó, giai đoạn 2019- 2023, toàn tỉnh có 3.311 hộ được hỗ trợ nhà ở; 82 hộ được hỗ trợ đất ở; 1.622 hộ được hỗ trợ xây nhà vệ sinh; 2.135 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt; 6.440 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 1.353 hộ được hỗ trợ kéo điện; 1.092 hộ được hỗ trợ tivi và 3.125 hộ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thành quả từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là hết sức to lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm thay đổi toàn diện đời sống của hàng ngàn hộ DTTS. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước chỉ còn 574 hộ nghèo DTTS (tính đến cuối năm 2023). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể, qua giám sát việc triển khai chương trình tại các địa phương cho thấy vẫn có một bộ phận nhỏ hộ nghèo DTTS còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có nhiều cố gắng để sử dụng hiệu quả các nội dung Nhà nước hỗ trợ. Điều đó thể hiện qua việc nhiều con giống được hỗ trợ bị chết hoặc không phát triển, nông cụ được cấp hư hỏng do không biết cách bảo quản, thậm chí có nơi xảy ra tình trạng đồng bào bán nông cụ được cấp để lấy tiền tiêu xài…

Theo đánh giá của Bình Phước, hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS khép lại nhưng trên tinh thần thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục duy trì bền vững kết quả giảm nghèo trên toàn địa bàn. Đồng thời, Bình Phước cũng nỗ lực, cố gắng hơn nữa không để tái nghèo, đặc biệt là tái nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu UBND tỉnh giảm dần hình thức hỗ trợ 100% cho hộ nghèo DTTS. Tăng cường sự tham gia đóng góp của hộ nghèo DTTS để hạn chế sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách làm; thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá toàn diện để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

“Từ năm 2024 trở đi, Bình Phước sẽ không thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS, đưa nhiệm vụ giảm hộ nghèo DTTS thực hiện chung trong kế hoạch giảm nghèo hằng năm của tỉnh. Cụ thể, lồng ghép giảm 292 hộ nghèo DTTS vào chỉ tiêu giảm 500 hộ nghèo năm 2024 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2116/QĐ-UBND về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024. Đồng thời, Bình Phước cũng chuyển trọng tâm chương trình giảm nghèo từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo”- ông Tuân cho biết thêm.

Nguyệt Hà