Print

Tăng diện bao phủ BHYT: Tiền đề nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ Ba, 22 /10/2024 19:43

Số người tham gia BHYT liên tục tăng trong những năm qua, và đến cuối năm 2023 đã bao phủ BHYT tới 93,35% dân số. Để đạt được kết quả đó, ngành BHXH Việt Nam đã phải nỗ lực không ngừng, huy động nhiều nguồn lực với nhiều giải pháp...

Thách thức tăng trưởng bền vững

Theo đánh giá của Bộ Y tế, chính sách BHYT đã đạt được nhiều thành tựu: Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng đáng kể. Đặc biệt, đối tượng người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi đã được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ chính sách này.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, những năm qua, tốc độ gia tăng người tham gia BHYT và tỷ lệ bao phủ BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số; năm 2009- năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT, toàn quốc có trên 50 triệu người tham gia BHYT, tăng trên 10 triệu người so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 58,2% dân số; đến năm 2023 có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số, vượt 0,15% so với mục tiêu được xác định tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Sự gia tăng người tham gia BHYT cũng là nguồn lực để quỹ BHYT ngày càng mạnh, đảm bảo nguồn lực. Trong 15 năm đã có trên 2,12 tỷ lượt người KCB BHYT, với tổng chi phí trên 993.000 tỷ đồng (bình quân mỗi năm có 141 triệu lượt KCB BHYT, với tổng chi phí 66.2000 tỷ đồng). Tần suất KCB BHYT cũng tăng từ 1,77 lần/người/năm vào năm 2009 lên 1,86 lần/người/năm vào năm 2023.

Từ khi thực hiện Luật BHYT, hầu hết các cơ sở y tế công lập có chức năng KCB đều ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH. Đến hết ngày 31/12/2023, số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 2.897, tăng 809 cơ sở so với năm 2009, trong đó, số cơ sở KCB tư nhân tăng 5 lần (từ 175 cơ sở tăng lên 1.106 cơ sở). Ngoài ra còn có gần 10.000 TYT xã/phường/thị trấn cũng tham gia KCB BHYT thông qua hợp đồng do các BV huyện hoặc TTYT hoặc cơ sở KCB được sở Y tế giao nhiệm vụ quản lý ký với cơ quan BHXH.

Đánh giá “điểm nhấn” đáng lưu ý trong thực hiện chính sách BHYT thời gian qua, TS.Nguyễn Văn Tiên- Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (nay là Uỷ ban Xã hội) của Quốc hội nhấn mạnh: Quy định BHYT là hình thức “bảo hiểm bắt buộc” trong Luật BHYT 2014 là cơ sở để độ bao phủ BHYT đột phá. Do đó điểm quan trọng cần tiếp tục duy trì là thực hiện chính sách BHYT toàn dân, trên cơ sở BHYT bắt buộc để tạo điều kiện cho toàn dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa quan điểm này của Luật BHYT cũng là một quá trình khó khăn, cả về pháp lý và nhận thức của người dân. Quy định “bắt buộc” tham gia BHYT thiếu chế tài đối với nhiều nhóm đối tượng như HSSV, người tham gia theo hộ gia đình, người cận nghèo...

Để chính sách BHYT đi vào chiều sâu

Thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT và lộ trình tiến tới BHYT bắt buộc, một trong những vấn đề được ngành BHXH Việt Nam quan tâm thực hiện là đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam đã ký kết các chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể để thực hiện công tác truyền thông chính sách BHYT theo từng giai đoạn hoặc từng năm. BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương triển khai truyền thông một cách bài bản, có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức ở tất cả các loại hình báo nói, báo hình, báo in và báo điện tử…

Từ năm 2019, BHXH Việt Nam đã xây dựng, vận hành trang fanpage trên Facebook, tạo lập tài khoản Zalo nhằm cung cấp về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...  Bên cạnh đó, Hệ thống chăm sóc khách hàng (Call Center) được vận hành từ tháng 8/2017, đảm bảo hoạt động 24/7. Đặc biệt, Ngành đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng ngân hàng 3.000 câu hỏi/trả lời với hơn 110.000 dữ liệu huấn luyện và sớm vận hành Hệ thống trả lời tự động với mục tiêu nâng cao khả năng hỗ trợ người dân và tổ chức khi tương tác với cơ quan BHXH...

Tại BHXH các địa phương, rất nhiều hình thức truyền thông sáng tạo cũng được triển khai để phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn. Như đối với các vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ngành đã phát huy vai trò của hơn 12.100 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc truyền thông, vận động đồng bào tham gia BHYT; mời người biết tiếng dân tộc phiên dịch tại các hội nghị truyền thông chính sách BHYT.

Bên cạnh đó, toàn Ngành có khoảng 650 cán bộ biết tiếng dân tộc để tham gia tuyên truyền chính sách BHYT; 10 BHXH tỉnh đã biên tập, sản xuất khoảng 55 sản phẩm truyền thông, dịch ra các thứ tiếng dân tộc (như: Ê đê, Mông, Thái, Dao, Bah Nar, Tày, Khmer, Dẻ Triêng, J’rai, Mnông,…) để làm tài liệu tuyên truyền chính sách BHYT tại vùng đồng bào. Cơ quan BHXH các cấp cũng chủ động nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT. Từ đó, nhiều địa phương đã thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT từ nguồn ngân sách địa phương...

Đánh giá về chuyển biến trong nhận thức người dân về chính sách BHYT, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam- Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ: “Tấm thẻ BHYT trở thành một phần không thể thiếu trong giấy tờ tùy thân của hầu hết người dân, nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa... Đây chính là minh chứng thành công của công tác truyền thông, khi chính sách BHYT, ý nghĩa của việc tham gia “thấm” vào trong nhận thức, đời sống của mỗi người dân. Tính tuân thủ pháp luật BHYT ngày càng tốt, người dân tin tưởng và hài lòng khi sử dụng thẻ BHYT thể hiện chính sách BHYT đã thực sự đi vào đời sống...”.

Sức hút của chính sách BHYT còn đến từ những nỗ lực của BHXH Việt Nam trong ứng dụng CNTT và cải cách TTHC. Cụ thể như áp dụng thanh toán tiền trực tuyến để gia hạn thẻ BHYT trên Cổng DVC Quốc gia hoặc thông qua ứng dụng của các ngân hàng đã thực hiện kết nối thanh toán với BHXH Việt Nam; thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC theo 3 hình thức (trực tiếp, dịch vụ bưu chính công ích, và trực tuyến); tích hợp thẻ BHYT để thực hiện TTHC KCB BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID...

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu KCB, đảm bảo quyền của người dân, BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Y tế trong xây dựng chính sách, hướng dẫn việc thực hiện chính sách BHYT và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng BHYT thấp hơn mức tiền lương phải đóng theo quy định, từ đó yêu cầu truy thu từ DN để bảo vệ quyền lợi NLĐ…

Cùng với vấn đề già hóa dân số, nhu cầu tham gia BHYT và số lượt KCB BHYT hàng năm gia tăng... Bối cảnh này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh việc phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT, nhất là đối tượng HSSV, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình, NLĐ tự do, người tham gia BHYT hộ gia đình. Mục tiêu đang được đặt ra là cần tập trung các nguồn lực để phấn đấu từ năm 2025 trở đi đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng cho ngành BHXH Việt Nam trong giai đoạn mới...

Ngọc Thảo