Trốn đóng BHXH, BHYT- Án hình sự “lơ lửng” trên đầu (Bài cuối)
Trở lại vụ việc tại Chi nhánh Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng (Công ty Quảng An 1), tháng nào DN này cũng trích trừ tiền đóng BHXH từ lương của NLĐ, nhưng lại không chuyển nộp vào quỹ BHXH. Vì vậy, nhiều NLĐ không có thẻ BHYT để đi KCB hoặc không được hưởng BH thất nghiệp. Theo ông Nguyễn Hùng Anh- Phó Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng, trong 2 năm (2020-2022), BHXH TP.Đà Nẵng đã 2 lần thanh tra chuyên ngành đóng, nhưng Công ty Quảng An 1 vẫn cố tình không khắc phục vi phạm, khiến quyền lợi của NLĐ tiếp tục bị “treo”
Hồi tháng 7/2020 và tháng 9/2022, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Quảng An 1 với số tiền 150 triệu đồng, nhưng DN vẫn giả vờ như không biết. Đến ngày 30/11/2022, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng tiếp tục ban hành Công văn số 6597/UBND-BHXH chỉ đạo về việc cung cấp thông tin tài khoản để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng thời gian trả lời văn bản của các tổ chức tín dụng chậm và số dư tại thời điểm cung cấp thường “bằng 0” hoặc rất thấp, nên không thể thực hiện cưỡng chế qua tài khoản…
Trao đổi với PV Tạp chí BHXH, Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt- Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự (TP.Đà Nẵng) nhận định: “Rõ ràng DN đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi trốn đóng tiền BHXH. Chưa kể, hằng tháng DN vẫn khấu trừ lương của NLĐ cho các khoản BHXH, BHYT, song vẫn không thực hiện trách nhiệm của mình, dẫn tới số tiền chậm đóng BHXH ngày càng lớn. Do đó, DN có dấu hiệu chiếm dụng tiền BHXH, chứ không thể gọi là chậm đóng”.
Cũng theo Luật sư Phiệt, đối với vụ việc chậm đóng BHXH, có 3 cách để giải quyết quyền lợi của NLĐ. Cụ thể: Một là, từng NLĐ khởi kiện, buộc DN phải chốt trả sổ BHXH và trả lương nếu nợ lương (trường hợp DN có tài sản, cơ quan Thi hành án sẽ kê biên các tài sản này để đấu giá, thi hành bản án mà tòa án đã tuyên). Hai là, Công đoàn cơ sở khởi kiện vụ án tập thể, buộc DN phải đóng, chốt trả sổ BHXH và lương cho NLĐ. Ba là, khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực thì có thể áp dụng theo Điều 39 của Luật này. “Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Luật BHXH 2014… Các hành vi này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”- Luật sư Phiệt nhấn mạnh.
Đã 6 năm qua, NLĐ tại Dự án Cocobay Đà Nẵng bị Công ty TNHH Empire Hospitality chậm đóng BHXH, BHYT, nên phải đi cầu cứu khắp nơi. Thế nhưng, không những không được giải quyết, mà số tiền chậm đóng ngày càng tăng và hiện đã tăng lên gần 10 tỷ đồng, khiến cuộc sống của rất nhiều NLĐ vô cùng khốn đốn. Ngay khi DN này phát sinh chậm đóng, BHXH TP.Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp đôn đốc, nhưng đều không thành công.
Năm 2019, UBND TP.Đà Nẵng có quyết định xử phạt Công ty TNHH Empire Hospitality số tiền 150 triệu đồng, đồng thời yêu cầu DN phải truy đóng theo quy định, nhưng DN vẫn không chấp hành quyết định xử phạt. Tiếp sau đó, cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhưng DN vẫn ngó lơ. Tính đến nay, sau hơn 6 năm, số tiền chậm đóng của DN đã tăng lên gần 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo ông Lê Văn Đại- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng, trong những cuộc làm việc với cơ quan chức năng, ông chủ của Công ty TNHH Empire Hospitality còn tuyên bố sẽ không truy đóng khoản tiền chậm đóng BHXH này. “Dù là lý do gì, nếu DN nhất quyết không đóng tiền BHXH, BHYT cho NLĐ, thì có thể coi đây là hành vi trốn đóng, chứ không còn là hành vi chậm đóng…”- ông Đại nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Quân- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay, Công ty TNHH Nam Nung vẫn hoạt động bình thường với trên 100 NLĐ. Trước đây, khi phát hiện sai phạm, BHXH tỉnh Đắk Nông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính, thậm chí đã kiện ra toà… nhưng Công ty vẫn không khắc phục.
Trong khi đó, BHXH tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến ngày 31/8/2024, trên địa bàn tỉnh có 46 DN đã được thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, nhưng chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ như: Công ty CP Chế biến thủy hải sản Kỳ Lân, Công ty TNHH Thanh Nguyên, Công ty TNHH Phân bón hữu cơ Greenfield, Chi nhánh Bình thuận Công ty TNHH Innolux Footwear Việt Nam, Công ty CP Khai thác khoáng sản và Sản xuất VLXD Trung Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư Tân Hà, Công ty CP Sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh, Công ty TNHH Mạnh Tiến Đức Linh…
Qua kết quả thanh tra cho thấy, hầu hết DN vi phạm Điều 39 Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025). Cụ thể, Điều 39 Luật BHXH 2024 quy định: Trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp là hành vi của người SDLĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho NLĐ: Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật này mà người SDLĐ không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc; sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật về BH thất nghiệp mà người SDLĐ không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BH thất nghiệp; đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp hơn quy định tại Khoản 1 Điều 31 của Luật này; đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BH thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về BH thất nghiệp; không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất quy định tại Khoản 4 Điều 34 của Luật này và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này…
Điều này đồng nghĩa với việc, các DN trên sẽ bị chế tài theo Điều 41 Luật BHXH 2024, đó là bị xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp. Cụ thể: Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ đóng BHXH, BH thất nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Bài: Lê Văn
Đồ họa: Thanh An