Print

“Mạch nguồn nhân ái” từ một Nghị quyết (Bài 2)

Thứ Tư, 30 /10/2024 07:57

Tại thôn Thuận An (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội), chị Phùng Thị Hằng đang một mình chèo chống cuộc sống cùng ba đứa con nhỏ. Trước đó, chồng chị bỏ nhà đi biền biệt đã nhiều năm, để lại gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai gầy guộc của chị. Cuộc sống càng khó khăn hơn, khi vào năm 2024, đứa con út của chị không may bị gãy chân. Không lâu sau, con trai thứ hai là Vũ Thành Phát cũng gặp tai nạn nghiêm trọng bị đứt gân và thủng tĩnh mạch.

Trong thời điểm đó, chị Hằng lại đang trải qua hai ca phẫu thuật u xơ tử cung và u nang buồng trứng. Những ngày nằm viện, nhìn hai con đau đớn, lòng chị đau quặn thắt, cảm giác như mọi thứ đều sụp đổ. Song, giữa muôn trùng khó khăn, tấm thẻ BHYT đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho chị và các con. Nhờ chính sách hỗ trợ 80% chi phí điều trị, gánh nặng kinh tế trên vai chị đã phần nào được giảm bớt. Dù vẫn còn bao lo toan, nhưng sự phục hồi sức khỏe của cả gia đình đã giúp chị có thêm nghị lực để tiếp tục mưu sinh, chăm lo cho tương lai của các con.

Con trai cả của chị Hằng- Vũ Tiến Đạt, dù đã 14 tuổi, nhưng gầy gò, yếu ớt hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Từ nhỏ, Đạt đã thường xuyên ốm vặt, cơ thể xanh xao, khiến chị không khỏi lo lắng cho con. Thế nhưng, từ tháng 1/2024, nhờ Nghị quyết 13 của HĐND TP.Hà Nội, Đạt đã được nhận tấm thẻ BHYT miễn phí- hỗ trợ 100% mức đóng cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Với mẹ con chị Hằng, đây không chỉ là sự hỗ trợ tài chính, mà còn là niềm hy vọng lớn lao, giúp con trai chị được chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí BHXH, cô giáo Phùng Thị Thanh Hường- Hiệu trưởng Trường THCS Thái Hòa cho biết, Vũ Tiến Đạt là một trong 2 em HS của trường được hỗ trợ thẻ BHYT miễn phí theo Nghị quyết 13. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn khiến một số gia đình ngần ngại chưa tham gia BHYT cho con em mình, mặc dù ai nấy đều hiểu rõ ý nghĩa của tấm thẻ BHYT. Đây chính là điều khiến các thầy cô giáo trăn trở tìm cách hóa giải.

Sau đó, thông qua sự phối hợp của UBND xã Thái Hòa với nhà trường trong việc triển khai Nghị quyết 13, có 2 HS của trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được cấp thẻ BHYT miễn phí. “Thẻ BHYT có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là sự bảo vệ quý giá cho sức khỏe những mầm non đang lớn lên giữa bao lo toan, thử thách. Chúng tôi hy vọng rằng, chính sách BHYT HSSV và Nghị quyết 13 sẽ được thực hiện hiệu quả, để nhà trường có thể hoàn thành sứ mệnh giáo dục và chăm lo cho sức khỏe của các em một cách toàn diện nhất”- cô Phùng Thị Thanh Hường xúc động chia sẻ.

BHYT là chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng. Đây cũng là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội đất nước. Trong những năm qua, TP.Hà Nội luôn quan tâm đến chính sách này. Theo đó, giai đoạn 2018-2022, thành phố đã triển khai hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng theo quy định của Trung ương và một số nhóm đặc thù. Tuy nhiên, một số đối tượng cần hỗ trợ vẫn chưa được bao phủ.

Theo chỉ tiêu Trung ương giao, đến năm 2025, Hà Nội phải đạt 95,15% dân số tham gia BHYT. Chương trình 08-CTr/TU ngày 17/03/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025 cũng đặt ra mục tiêu: “Mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, BHYT, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân”. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngày 6/12/2023, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 13, quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, HSSV có hoàn cảnh khó khăn và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2025, ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước, các đối tượng trên sẽ nhận được mức hỗ trợ từ ngân sách thành phố. Cụ thể: Các đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật nhẹ, HSSV có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, tương đương số tiền 1.263.000 đồng/năm. Đối với người dân thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, sẽ được hỗ trợ 60% mức đóng BHYT.

Việc hỗ trợ thêm mức đóng BHYT là một chính sách phù hợp với thực tế, nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững. Đồng thời, chính sách thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô dành cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, góp phần tạo niềm tin vững chắc của người dân vào chính sách của Đảng, Nhà nước và TP.Hà Nội.

Nhận thức rõ sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp chính là yếu tố then chốt, quyết định đến thành công trong việc thực hiện Nghị quyết 13, UBND xã Thái Hòa đã tích cực huy động sự vào cuộc của các bộ phận và tổ chức chính trị-xã hội. “Ngay từ khi Nghị quyết 13 có hiệu lực, Đảng ủy và UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ chuyên môn, tổ chức tuyên truyền sâu rộng. Các văn bản liên quan đều được công khai, niêm yết tại trụ sở UBND xã và các thôn, xóm”- ông Phùng Đình Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa chia sẻ.

Xã Thái Hòa với đa phần người dân làm nông nghiệp, nhiều hộ khó khăn đã được hỗ trợ thẻ BHYT theo Nghị quyết 13. Điều này mang đến niềm phấn khởi, tạo niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Hiện nay, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị-xã hội, chính sách nhân văn này đang thực sự lan tỏa, mang lại niềm hy vọng và góp phần ổn định cuộc sống cho những đối tượng dễ bị tổn thương, giúp người dân không chỉ được hỗ trợ về vật chất, mà còn là sự bảo đảm về tinh thần, từ đó tự tin hơn vào cuộc sống.

Thực hiện và trình bày: Hà Hùng