Cải cách chính sách an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”
Chính sách an sinh xã hội đã và đang trở thành yếu tố thiết yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia, nhằm giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển việc làm bền vững.
Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo về an sinh xã hội thế giới giai đoạn 2024-2026, do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hôm nay (30/10), GS-TS.Phạm Hồng Chương- Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, để một quốc gia phát triển bền vững, thì các mục tiêu về an sinh xã hội là những mục tiêu then chốt mà các quốc gia cần đạt được.
Cũng theo GS.Phạm Hồng Chương, hệ thống an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy công bằng xã hội và thực hiện quyền an sinh xã hội cho toàn dân. Chính vì vậy, các chính sách an sinh xã hội đã và đang trở thành yếu tố thiết yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Điều này nhằm giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập và đời sống của các gia đình, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển việc làm bền vững.
Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội, được thể hiện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết 42-NQ/TW về đổi mới chính sách xã hội; Luật BHXH 2024 và đang sửa đổi Luật BHYT, Luật Việc Làm. Những thay đổi này đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Báo cáo của ILO cho thấy, diện bao phủ an sinh xã hội của thế giới nói chung, của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như ở Việt Nam đang có chuyển biến tích cực. Trong đó, những yêu cầu cần thiết phải giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu càng cho thấy nhu cầu cải thiện hệ thống an sinh xã hội một cách toàn diện. Không chỉ là bảo đảm công bằng, an sinh xã hội là công cụ hữu hiệu để giảm đói nghèo, giúp người nghèo, những người bị tổn thương chống chịu được trước những tác động của thiên tai, của biến đổi khí hậu và đói nghèo.
Theo ILO, hơn một nửa dân số thế giới (52,4%) được bao phủ an sinh xã hội, tỷ lệ này ở Châu Á-Thái Bình Dương là 53,6%. Nhưng vẫn còn khoảng trống rất lớn khi có tới 3,8 tỷ người trên toàn thế giới nằm ngoài diện bao phủ này. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức đối với việc mở rộng an sinh xã hội cho toàn dân như: Thị trường lao động phi chính thức còn lớn và già hoá dân số nhanh trong điều kiện thu nhập trung bình. Đặc biệt, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang nổi lên là một thách thức lớn. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất về biến đổi khí hậu. Điều này ảnh hưởng đến tất cả người dân và là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với công bằng xã hội hiện nay.
Để đối phó với những thách thức đó, an sinh xã hội toàn dân là công cụ hàng đầu hiện có để giúp đảm bảo rằng khủng hoảng khí hậu không làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Để tiếp tục thúc đẩy an sinh xã hội toàn dân ở Việt Nam, cần đổi mới chính sách an sinh xã hội, đảm bảo hệ thống chính sách an sinh xã hội phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế. Đồng thời, tập trung vào cách tiếp cận toàn diện và tích hợp, đảm bảo rằng hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam có thể giải quyết các thách thức hiện nay từ quá trình chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, không bỏ ai lại phía sau.
Bên cạnh đó, đầu tư cân bằng cho cả tăng trưởng kinh tế và các chính sách xã hội mới sẽ giúp đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, bao phủ an sinh xã hội toàn dân. Dù có những tiến bộ và thành tựu đáng ghi nhận trong những thập kỷ gần đây, nhưng Việt Nam còn đang gặp nhiều thách thức. Cải cách chính sách an sinh xã hội mạnh mẽ hơn là điều buộc phải có. Đây cũng là sự cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và để thành quả của sự phát triển mà Việt Nam đạt được được phân bổ công bằng và hợp lý, để "không ai bị ở lại phía sau".
Còn theo GS-TS.Giang Thanh Long- Giảng viên cao cấp (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), các xu hướng lớn đang diễn ra mạnh mẽ và có nhiều thách thức với hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Do đó, định hướng đầu tiên là phải thống nhất, hài hòa các chính sách, chế độ an sinh xã hội, bởi hiện nay, các chính sách đang bị phân mảng và được quản lý theo nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống thiên tai…
Nguyệt Hà