Print

ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam): Cần thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng trong lĩnh vực BHYT

Thứ Sáu, 01 /11/2024 09:02

Ủng hộ chủ trương sửa đổi Luật BHYT để khắc phục các vấn đề cấp bách hiện nay, song ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, cần lồng ghép chính sách để thực hiện mục tiêu 100% người cao tuổi tham gia BHYT theo Nghị quyết 21 và Nghị quyết 42…

Tham gia góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) ủng hộ chủ trương “tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách”. Tuy nhiên, theo ĐB Hiền, còn một số chủ trương của Đảng có tính cấp bách cần được triển khai sớm và việc thể chế hóa những chủ trương này vẫn trong phạm vi 4 chính sách Chính phủ đề xuất.

Cụ thể, Nghị quyết 21 (năm 2017) về dân số đề ra mục tiêu đến năm 2030 “100% người cao tuổi có thẻ BHYT”. Mục tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng và nhân văn, bởi đây là quyết tâm chính trị để đến 2030 không có người cao tuổi nào không có thẻ BHYT. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ với phạm vi sửa đổi Điều 12 về đối tượng tham gia BHYT thì đến 2030 chủ trương này có thực hiện được không?

Cũng theo phân tích của ĐB Trần Thị Hiền, theo Báo cáo số 646 ngày 14/10 của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội thì lại nêu đến nay đã có 95% người cao tuổi có thẻ BHYT; nhưng mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 cũng chỉ duy trì 95% người cao tuổi có thẻ BHYT. Trong khi đó, chúng ta chỉ còn 5 năm để tiến tới mục tiêu tất cả người cao tuổi đều có thẻ BHYT.

Trong số 5% người cao tuổi chưa được bao phủ BHYT, có những người từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp. Đây là nhóm dân số rất cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe, tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi để có tuổi già khỏe mạnh. “Do vậy, cần tính toán, lồng ghép chính sách để thực hiện được mục tiêu này. Trong đó, cần tăng sức hấp dẫn của BHYT bằng chính sách khuyến khích KCB tại nhà, gắn với định hướng phát triển y học gia đình mà Nghị quyết 21 đã đề ra”- ĐB Hiền đề nghị.

Bên cạnh đó, ĐB Hiền cũng cho biết, Nghị quyết 42 của Hội nghị Trung ương 8 về chính sách xã hội nêu rất rõ yêu cầu “ban hành chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT”. Trên thực tế, từ năm 2011, thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020, Bộ Y tế đã triển khai khảo sát sự hài lòng của người bệnh. Vì vậy, đến thời điểm này, cần luật hóa trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề này.

Do đó, bổ sung thêm nội dung sửa đổi Khoản 8 Điều 6 để quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, ban hành, theo dõi chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân tham gia BHYT. Bởi, điều này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy CCHC thực chất, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác KCB nói chung và BHYT nói riêng, góp phần nâng cao một cách thực chất việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT.

Nguyệt Hà