Print

“Mạch nguồn nhân ái” từ một Nghị quyết (Bài cuối)

Chủ nhật, 03 /11/2024 20:24

Huyện Ba Vì với những dãy núi cao, những tán rừng xanh mướt, cùng những nếp nhà bình dị, vẫn ẩn chứa bao khó khăn chồng chất- như con đường mòn gập ghềnh giữa mây ngàn, trong bức tranh phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Toàn huyện Ba Vì có dân số 29.477 người, trong đó nhiều người là đồng bào dân tộc Mường, Dao, Nùng, Tày, Thái… sinh sống trên địa bàn 7 xã miền núi còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe luôn là một thách thức lớn đối với người dân. Chính vì thế, phát triển thẻ BHYT cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách an sinh xã hội của huyện Ba Vì.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí BHXH, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng- Phó Giám đốc BHXH huyện Ba Vì cho biết: “Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND không chỉ là một chính sách hỗ trợ, mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với người dân trên địa bàn. Từ khi Nghị quyết được triển khai, BHXH huyện Ba Vì đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn… đảm bảo mọi đối tượng được quy định tại Nghị quyết 13 đều được hưởng lợi từ chính sách”.

Như dòng suối ngọt lành chảy vào lòng người, Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND xuất hiện, mang theo bao niềm hy vọng. Chính sách này không chỉ là nguồn trợ lực tài chính, mà còn là cánh tay nhân ái, lan tỏa hơi ấm tới những mảnh đời yếu thế. Do đó, BHXH huyện Ba Vì đã không ngừng nỗ lực mang chính sách này đến tận tay người dân. Từ sự phối hợp chặt chẽ với UBND huyện và các phòng ban liên quan, đến việc lan tỏa thông tin qua hệ thống truyền thanh và các hội nghị tuyên truyền, tất cả đều nhằm mục tiêu đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhờ đó, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, BHXH huyện Ba Vì đã hỗ trợ 2.798 người cao tuổi, 102 trẻ em khuyết tật nhẹ, 4 em HSSV có hoàn cảnh khó khăn và 15 hộ nông dân nghèo tham gia BHYT. Những con số tưởng chừng nhỏ nhoi ấy lại chứa đựng bao sự đổi thay lớn lao cho cuộc sống của những người dân tại đây, khi thẻ BHYT giúp họ nhẹ bớt gánh nặng kinh tế và mở ra con đường dễ dàng hơn đến với các dịch vụ y tế.

Đặc biệt, tại các xã miền núi xa xôi, nơi cuộc sống vẫn còn nhiều nhọc nhằn, Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND như một chiếc “phao cứu sinh” đưa những người dân nghèo vượt qua sóng gió. Chính sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đã thực sự trở thành chìa khóa mở ra cánh cửa mới, giúp hàng ngàn người cao tuổi và người khuyết tật có được sự chăm sóc y tế mà họ từng mơ ước.

Không chỉ riêng Ba Vì, Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND đang được nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội triển khai hiệu quả, quyết liệt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của toàn hệ thống trong việc bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Theo thống kê, trong 9 tháng của năm 2024, BHXH TP.Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho 62.600 người với tổng số tiền lên tới 43,53 tỷ đồng. Cụ thể gồm: 53.485 người từ 70 đến dưới 80 tuổi, được hỗ trợ 39,2 tỷ đồng; 1.139 người khuyết tật nhẹ được hỗ trợ mức đóng 0,83 tỷ đồng; 7.972 người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình cũng nhận được hỗ trợ với số tiền 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn tuy ít về số lượng, nhưng vẫn được hỗ trợ với tổng số tiền 3,2 triệu đồng.

Theo ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội, đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và sự chỉ đạo quyết liệt từ HĐND, UBND TP.Hà Nội. Việc hỗ trợ chi phí BHYT cho các đối tượng yếu thế không chỉ góp phần giảm thiểu khó khăn về tài chính, mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng hơn. Cũng theo ông Mến, bên cạnh Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, HĐND và UBND TP.Hà Nội còn ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đây là bước tiến quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu mà thành phố đã đề ra trong việc bao phủ BHXH, BHYT toàn dân; đem lại kết quả thiết thực, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT.

Nhìn lại những kết quả bước đầu của Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, có thể thấy, đó không chỉ là những con số về ngân sách hay số lượng người thụ hưởng, mà sâu xa hơn là mạch nguồn của tình người, của lòng nhân ái. Từ những vùng núi xa xôi đến những gia đình lao động nghèo tại đô thị, BHYT đã và đang thắp lên niềm tin và hy vọng, như những dòng suối mát lành nuôi dưỡng sức khỏe và tâm hồn của bao con người. Chính sách BHYT tựa như một chiếc cầu nối vững chắc, đưa người dân từ những góc khuất khó khăn của cuộc sống đến với sự an toàn, được bảo vệ và chăm sóc toàn diện.

Những bước đi đầu tiên của Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND có thể chưa bao quát hết, nhưng từng nhịp bước ấy đã in đậm dấu ấn của sự sẻ chia, của sự đoàn kết trong cả hệ thống chính trị. Hành trình này không chỉ là việc trao tấm thẻ BHYT, mà còn là trao niềm hy vọng, trao cơ hội để mỗi người dân đều có quyền mơ ước về một tương lai tươi sáng, nơi sức khỏe và cuộc sống của họ được chăm lo vẹn toàn. Và, chỉ khi có sự chung tay của các cấp, các ngành, khi những mạch nguồn nhân ái từ chính sách được bồi đắp liên tục, chúng ta mới có thể thấy bức tranh an sinh xã hội ngày càng sắc nét và sinh động hơn.

Thực hiện và trình bày: Hà Hùng