Việc làm trong nền kinh tế số: Lao động phi chính thức gặp khó
Theo Tổng cục Thống kê, hết quý II/2024, lao động phi chính thức ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, khoảng hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên- phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt. Số lao động nữ không có trình độ chuyên môn chiếm tới 49,4%, tập trung vào lao động nữ ở nông thôn, trong độ tuổi trung niên, phụ nữ DTTS.
Tỷ lệ lao động nữ làm thuê các công việc trong hộ gia đình chiếm đến 94,7% tổng số lao động làm thuê. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.
Còn thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn. Không chỉ vậy, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, đối mặt với khó khăn trong việc gia nhập lực lượng lao động chất lượng cao. Lao động nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế số trở thành nền kinh tế chính của xã hội.
Bà Hoàng Phương Thảo- Giám đốc Điều hành Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam khẳng định, nền kinh tế số đã được công nhận và thực hiện trên thế giới cách đây rất nhiều năm. Ở Việt Nam, sau đại dịch COVID-19, chúng ta đã cảm nhận rất rõ tác động cũng như sự hiện diện của nền kinh tế số trong cuộc sống. Dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu người, hiện nay có hơn 187 triệu điện thoại di động đang hoạt động; trung bình mỗi người có 2 chiếc điện thoại. Điều này cho thấy, sự chủ động của người Việt Nam trong việc tiếp cận với kinh tế số để tìm kiếm thông tin cũng như hưởng lợi từ nó. Tuy nhiên, cái chúng ta tiếp cận được mới là một phần rất nhỏ. Nếu muốn tham gia một cách có ý nghĩa vào nền kinh tế số thì phải là người tạo ra giá trị mới.
Khu vực lao động phi chính thức đang phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thế giới và Việt Nam đang ở trong nền kinh số- thời kỳ mà internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người.
Do vậy, để trang bị kỹ năng cho NLĐ, ông Đào Trọng Độ- Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hơn 10 năm qua, đã đào tạo nghề bình quân 1 triệu người/năm, trong đó có 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo. NLĐ qua đào tạo có việc làm mới, tiếp tục làm nghề cũ có năng suất và thu nhập tốt hơn, tính đến năm 2020 chiếm khoảng 85%. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm. “Công tác đào tạo nghề đã góp phần từng bước chuẩn hóa lực lượng lao động, lao động di cư tự do không có tay nghề. Qua đó, giúp NLĐ phi chính thức có cơ hội tìm được việc làm tốt và ổn định hơn”- ông Độ cho hay.
Thực tế hiện nay có khá nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động phi chính thức theo hình thức trực tuyến, nhất là đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. NLĐ có thể học lý thuyết online qua các nền tảng số và thực hành kỹ năng ngay chính tại nơi mình làm việc. Sau đó, nếu cần có thể thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề.
Trước đòi hỏi của thị trường lao động, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến cũng đã bổ sung quy định hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số và thực trạng thị trường lao động Việt Nam. Đồng thời, bổ sung quy định về giao dịch việc làm điện tử, đảm bảo phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử và thương mại điện tử.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, lao động tự do hiện đang chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định xây dựng CSDL để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức. Đồng thời, cũng chỉ ra rằng cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng “sổ lao động điện tử” gắn với CSDL quốc gia về Dân cư và các cơ sở khác… để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, youtuber, blogger, đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng online...
Từ thực tiễn, bà Vũ Thị Thanh Liễu- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, Trung tâm đã đào tạo để học viên có thể ứng dụng công nghệ số vào khởi nghiệp và cải thiện cuộc sống. Đơn cử như với nghề bán hàng online, nhiều học viên sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề tại Trung tâm đã bắt đầu mở các cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng như: Shopee, Facebook, Zalo, Grabfood... “Việc này giúp họ tiếp cận được lượng khách hàng rộng lớn hơn và tăng mạnh doanh thu. Với nghề sáng tạo nội dung số, một số học viên đã học cách tạo và quản lý nội dung trên các nền tảng như Youtube, TikTok, và Instagram. Họ sản xuất các video hướng dẫn, chia sẻ kiến thức”- bà Liễu cho hay.
Bài: V.Thu
Đồ họa: Thanh An