Dự án Luật Việc làm (sửa đổi): Mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, đảm bảo an sinh cho NLĐ
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các ĐBQH tán thành với việc sửa đổi cũng như quy định mở rộng diện bao phủ, linh hoạt mức đóng, biện pháp xử lý chậm đóng BH thất nghiệp…
Linh hoạt mức đóng BH thất nghiệp
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh với tinh thần luật chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ đã có tiếp thu cơ bản ý kiến kết luận của Ủy ban TVQH. Theo đó, các Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 lần này đã rút bớt số lượng các điều, khoản so với bản Dự thảo trình tại Phiên họp của Ủy ban TVQH. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc nghị định và thông tư. Trong đó, đối với Luật Việc làm (sửa đổi) cần tiếp tục làm sâu, rõ hơn ở mức Quốc hội quyết định các nội dung như: Chính sách chuyển đổi việc làm đối với lao động nông thôn; chính sách việc làm công, chính sách việc làm của thanh niên bao gồm cả thành phố và nông thôn; chính sách hỗ trợ hỗ trợ việc làm người cao tuổi, mở rộng hành lang pháp lý đối với các tổ chức dịch vụ việc làm; tư vấn viên dịch vụ việc làm...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Góp ý vào Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu thực tế tại địa phương có đặc thù dân cư sinh sống bao gồm nhiều đồng bào DTTS đang đối diện với khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo tồn, duy trì nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc riêng. Vì trên thực tế, đối tượng truyền nghề truyền thống không có chứng chỉ hành nghề nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ, khuyến khích họ tham gia trao truyền, giảng dạy các kỹ năng mà họ có từ sự kế thừa thế hệ trước và kinh nghiệm cá nhân. Do đó, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo Luật để Luật hóa, từ đó ban hành các chế độ, chính sách phù hợp.
Liên quan tới đóng BH thất nghiệp, đoạn 2 khoản 5 Điều 58 dự thảo Luật là điểm mới so với Luật hiện hành: “Trường hợp, người SDLĐ không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng BH thất nghiệp cho NLĐ khi chấm dứt quan hệ lao động thì NLĐ được lựa chọn nộp số tiền vào quỹ BH thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng BH thất nghiệp của mình nhưng người SDLĐ chưa đóng cho cơ quan BHXH để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BH thất nghiệp. Khi cơ quan BHXH thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BH thất nghiệp của người SDLĐ thì hoàn trả lại tiền mà NLĐ đã đóng”. Tuy nhiên, theo ĐB Dương Khắc Mai quy định này khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao bởi vì khi cơ quan BHXH thu được số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho NLĐ thì khả năng thu hồi quá lâu nên cần xem xét lại. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này, phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ.
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông)
Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) lưu ý, đối tượng người cao tuổi có đặc thù riêng nên chính sách hỗ trợ cũng cần có sự khác biệt. Theo đó, phải phát huy được trình độ, trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới ngưỡng “dân số già”. Liên quan tới điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 64 của Dự thảo Luật, ĐB Thanh Cầm cho rằng, theo quy định của pháp luật về lao động, NLĐ bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 để tạo điều kiện cho những NLĐ nói trên được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng- hưởng”.
Nêu quan điểm về BH thất nghiệp, ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đánh giá cao việc Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp thời gian qua về việc giảm tỷ lệ đóng BH thất nghiệp của người SDLĐ và NLĐ. Theo quy định hiện hành, NLĐ và người SDLĐ đóng BH thất nghiệp cố định bằng 1% tiền lương tháng. Dự thảo Luật quy định giảm tỷ lệ đóng BH thất nghiệp theo hướng linh hoạt là NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người SDLĐ đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp của những NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Đồng thời, giao cho Chính phủ căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối quỹ BH thất nghiệp quy định chi tiết mức đóng. “Quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Về cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW cũng nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ...”- ĐB Vân nêu.
ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh)
Có giải pháp căn cơ giải quyết chậm đóng, trốn đóng BH thất nghiệp
Để hoàn thiện hơn quy định về BH thất nghiệp, ĐB Trần Thị Vân cho rằng, quy định về khoảng thời gian đóng từ 12 đến 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp chưa thật sự tạo công bằng giữa người tham gia 12 tháng và người tham gia 36 tháng, đồng thời quy định thời gian hưởng BH thất nghiệp tối đa 12 tháng như vậy là không phù hợp với nguyên tắc đóng- hưởng của BH thất nghiệp. Theo ĐB nguyên tắc đóng- hưởng của chế độ BH thất nghiệp tương tự như nguyên tắc đóng hưởng của chế độ BHXH. Nghĩa là NLĐ phải có đóng mới được hưởng và mức thụ hưởng tùy theo mức tiền lương đóng và thời gian đóng hay “hiểu nôm na là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít”. “Vậy một câu hỏi đặt ra là tại sao NLĐ tham gia BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mà sau khi tính hưởng lương hưu đủ tối đa 75% còn thừa thời gian đóng BHXH thì ngoài được hưởng lương hưu, NLĐ còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với thời gian còn lại (quy định tại Điều 68 Luật BHXH năm 2024). Nhưng đối với BH thất nghiệp lại quy định thời gian hưởng tối đa là 12 tháng, đồng thời tại điểm đ khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật quy định không cho bảo lưu thời gian đóng BH thất nghiệp trên 144 tháng (tương ứng với 12 tháng hưởng BH thất nghiệp)”- ĐB Vân nêu.
Thái Thu Xương (Hậu Giang)
ĐB Thái Thu Xương (Hậu Giang) đề nghị mở rộng đối tượng tham gia đóng BH thất nghiệp theo hướng tự nguyện. Thực tế cho thấy, đối tượng tham gia chủ yếu là đối tượng có HĐLĐ, còn các đối tượng không có HĐLĐ, lao động tự do không được đóng BH thất nghiệp, trong khi những đối tượng này có nguy cơ thất nghiệp nhiều hơn. Việc mở rộng đối tượng này cũng nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 của Trung ương, qua đó nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, ĐB đề nghị nghiên cứu, có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng BH thất nghiệp. “Chúng ta cũng nên đưa ra và có hướng xử lý như với BHXH. Vừa qua, chậm đóng, trốn đóng BHXH thì NLĐ bị ảnh hưởng. Với BH thất nghiệp cũng như vậy, NLĐ mong muốn đóng góp BH thất nghiệp để chẳng may khi bị mất việc làm thì còn có sự hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng thì NLĐ sẽ không được hưởng chế độ BH thất nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu để thực hiện, không nên đẩy vấn đề khó khăn này cho NLĐ”- ĐB Xương đề nghị.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ trong các quy định về cơ chế xử lý đối với những trường hợp chậm đóng, trốn đóng BH thất nghiệp để NLĐ được giải quyết hưởng các chế độ BH thất nghiệp. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ chế để tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng BH thất nghiệp với tổng thể việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc chốt thời gian tham gia BH thất nghiệp với thời gian tham gia BHXH, BHYT trong trường hợp NLĐ đóng bù BH thất nghiệp mà chưa đóng bù BHXH để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, thống nhất.
V.Thu