Lượng khí thải carbon toàn cầu dự kiến cao kỷ lục năm 2024
Năm 2024 sẽ chứng kiến một dấu mốc đáng lo ngại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu dự kiến lên mức cao kỷ lục.
Trên đây là thông tin được nêu trong Báo cáo Ngân sách Carbon toàn cầu mới nhất, đồng nghĩa với việc thế giới đang ngày càng xa rời mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo nói trên được công bố tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (COP29) đang diễn ra tại Azerbaijan. Cụ thể, tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2024 sẽ vào khoảng 41,6 tỷ tấn, tăng từ mức 40,6 tỷ tấn vào năm ngoái. Trong đó, lượng khí phát thải từ các hoạt động đốt than đá, khai thác, tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt chiếm đa phần, lên tới 37,4 tỷ tấn, tăng 0,8% so với năm 2023. Phần khí thải còn lại là từ sử dụng đất đai, trong đó tính cả phá rừng và cháy rừng.
Tác giả chính của báo cáo, ông Pierre Friedlingstein, là một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Exeter- đơn vị dẫn đầu 80 tổ chức thực hiện bản báo cáo. Ông cho rằng nếu không có hành động để cắt giảm lương khí phát thải ngay lập tức, nhiệt độ Trái Đất sẽ nhanh chóng tăng cao và thậm chí còn vượt mức tăng 1,5 độ C so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đã nhất trí nỗ lực kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới mức 1,5 độ C để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm phát thải mạnh mẽ hàng năm từ nay đến năm 2030 và sau đó. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng với tiến độ chậm chạp hiện nay thì mục tiêu 1,5 độ C là khó có thể đạt được.
Các tác giả báo cáo còn đề cập đến dữ liệu phát thải năm nay, cho thấy một số quốc gia đang nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo và ô tô điện. Tuy nhiên, tiến độ rất không đồng đều với lượng khí thải của các quốc gia công nghiệp giàu có giảm và lượng khí thải của các nền kinh tế mới nổi vẫn đang tăng.
Hội nghị COP29 năm nay được tổ chức tại Baku, Azerbaijan, trong các ngày 11-22/11. Sự kiện này được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu, giữa lúc nhiệt độ tại nhiều nơi liên tục phá kỷ lục và các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Thu hút khoảng 80.000 đại biểu tham gia, nhiệm vụ chính của COP29 là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hàng năm mà các nước giàu sẽ cung cấp, nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra 3 định hướng chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gồm giảm phát thải, bảo vệ nhân loại trước hậu quả của biến đổi khí hậu và tài chính. Ông nhấn mạnh các nước cần khẩn cấp giảm lượng khí thải để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, theo đó lượng khí thải phải giảm 9% mỗi năm. Đến năm 2030, chỉ số này phải giảm 43% so với mức năm 2019. Theo ông Guterres, các nước G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) phải dẫn đầu về vấn đề này bởi đây là những nước phát thải lớn nhất, có khả năng và trách nhiệm lớn nhất.
Trong ngày họp thứ hai (12/11), căng thẳng giữa các quốc gia đã nổ ra về việc ai nên dẫn đầu quá trình chuyển đổi của thế giới khỏi nhiên liệu hóa thạch, nguồn sản sinh khoảng 80% năng lượng toàn cầu. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chỉ trích các nước vẫn là những nguồn tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn.
Ngọc Tuấn