Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động
Ông Trần Văn Triều- nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (LĐLĐ TP.HCM) cho rằng, vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức Công đoàn rất quan trọng. Thế nhưng, thực tế hiện nay có nhiều vụ việc DN nợ, trốn đóng BHXH nhưng Công đoàn chưa thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của NLĐ do vướng quy định, phải thu thập ủy quyền của từng cá nhân NLĐ mới đủ quyền khởi kiện. “Rất khó có 100% NLĐ làm giấy ủy quyền cho tổ chức Công đoàn khởi kiện. Việc thu thập giấy ủy quyền rất gian nan, lại tốn chi phí của NLĐ”, do đó, ông Triều đề nghị Luật Công đoàn (sửa đổi) cần điều chỉnh theo hướng tổ chức Công đoàn được phép đại diện NLĐ để khởi kiện theo yêu cầu của NLĐ.
Theo đánh giá, quy định Công đoàn chỉ được đại diện cho NLĐ khởi kiện khi NLĐ ủy quyền khiến tổ chức Công đoàn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi số DN nợ tiền đóng BHXH hiện nay khá nhiều. Chính vì vậy, qua thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong dự thảo luật quy định tương đối đầy đủ nhưng quan trọng hơn là cần cho Công đoàn một cơ chế để thực thi trách nhiệm đó.
Thực tế hiện nay, Công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ DN, luôn chịu “sức ép” từ người SDLĐ nên rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động. Do vậy, phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để Công đoàn độc lập hơn.
Nhấn mạnh nội dung về “đại diện cho NLĐ, tập thể NLĐ khởi kiện ra Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tập thể NLĐ bị vi phạm” quy định tại Điều 11, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, quy định này rất rộng và thực tiễn trong thời gian qua, Công đoàn gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ này vì theo quy định của pháp luật, tổ chức Công đoàn không được quyền đương nhiên khởi kiện khi quyền lợi NLĐ bị xâm hại mà phải được NLĐ uỷ quyền theo quy định của pháp luật, rất tốn thời gian và chi phí đi lại của NLĐ, vì thế Công đoàn không đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng của mình. “Theo quy định, từng NLĐ phải uỷ quyền cho tổ chức Công đoàn thì Công đoàn mới thực hiện được quyền khởi kiện. Nếu DN có 1.000 lao động mà người SDLĐ bỏ trốn, DN nợ lương, nợ BHXH thì phải có 1.000 NLĐ ra công chứng uỷ quyền theo quy định của pháp luật cho tổ chức Công đoàn khởi kiện là điều rất bất cập”- đại biểu Phúc dẫn chứng; đồng thời đề nghị cân nhắc sửa đổi nội dung này theo hướng tổ chức Công đoàn đương nhiên được khởi kiện khi quyền lợi hợp pháp của NLĐ bị xâm hại. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự cho phép tổ chức Công đoàn đương nhiên được khởi kiện khi quyền lợi hợp pháp của NLĐ bị xâm hại để đảm bảo tính đồng bộ thống nhất với Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật ATVSLĐ, Luật Việc làm.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cho rằng, quy định “Công đoàn đại diện cho NLĐ, tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa khi quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, tập thể NLĐ bị vi phạm” hoàn toàn phù hợp với Điều 10 của Hiến pháp. Tuy nhiên, có một vướng mắc lâu nay chính là thủ tục để tổ chức công đoàn đại diện được cho NLĐ và tập thể NLĐ để khởi kiện ra tòa. Do đó, dự thảo luật cần làm rõ quy định này là đại diện đương nhiên hay là đại diện có điều kiện, đại diện theo ủy quyền. Bởi, Công đoàn không chỉ bảo vệ cho một cá nhân cụ thể mà bảo vệ cho số đông NLĐ. Chính vì vậy, đại biểu Yến cho rằng luật nên quy định là đại diện.
Cũng liên quan đến quy định này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục để tổ chức Công đoàn là đại diện đương nhiên cho đoàn viên công đoàn và NLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ khi bị xâm phạm, nhất là việc DN chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. “Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này cần có chế tài mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, ngoại trừ trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh”- đại biểu Lam nhấn mạnh.
Không chỉ bảo vệ quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ, tổ chức Công đoàn còn có vai trò quan trọng đại diện, chăm lo phúc lợi, đảm bảo đời sống của NLĐ. Trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này, vai trò đó càng được khẳng định rõ.
Tổng kết thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 cho thấy, trong nguồn tài chính công đoàn, thu đoàn phí công đoàn chiếm từ 25- 27%; thu kinh phí công đoàn chiếm 57-64%; thu khác chiếm 11-16%; NSNN hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, hoạt động chỉ chiếm khoảng 1%. Trong khi đó, tỷ trọng chi tài chính công đoàn được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm khoảng 75%) để chăm lo phúc lợi cho NLĐ. Tính trong phân phối các nội dung chi, nguồn kinh phí công đoàn cơ bản dành cho phúc lợi, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và NLĐ (chiếm 84,14%) tổng số chi.
Từ căn cứ trên, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, DN đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ nhằm bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và có tích lũy xử lý các tình huống đặc biệt (hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch; bị mất việc làm hàng loạt do DN thiếu đơn hàng hay bị tác động bởi thiên tai...).
Đồng thuận với quy định trên, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) khẳng định, về bản chất, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị SDLĐ cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn nhằm bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt nghĩa vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ; đồng thời cũng để bảo đảm vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tuyên truyền, vận động NLĐ thực hiện tốt nhiệm vụ, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, DN.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế để Công đoàn độc lập hơn với người SDLĐ. Công đoàn phải độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính thì mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng của NLĐ. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo vệ cán bộ Công đoàn hữu hiệu, tạo được động lực cho cán bộ Công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Đây là điều kiện tiên quyết để Công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở. Tuy nhiên, nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn. Bởi việc này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí; khắc phục được tình trạng chủ DN can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của tổ chức Công đoàn.
Bài: Vũ Thu
Đồ hoạ: Thanh An