Print

HSSV tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm được NSNN hỗ trợ

Thứ Sáu, 15 /11/2024 09:56

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã làm rõ các nhóm đối tượng tham gia BHYT, bổ sung hình thức KCB mới được thanh toán chi phí KCB BHYT như: KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà.

Sáng 15/11, tại Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến và có 137 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 27 lượt phát biểu ý kiến tại hội trường và 5 ý kiến bằng văn bản. Ủy ban Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế- cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tại Phiên họp

Theo đó, về cơ bản, các nội dung lớn của Dự thảo Luật đã đạt được sự đồng thuận của các cơ quan tham gia tiếp thu, chỉnh lý. “Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 3 Điều, Điều 1 bổ sung 2 Điều mới quy định về chậm đóng, trốn đóng BHYT và sửa đổi, bổ sung 40 Điều của Luật BHYT hiện hành (trong đó bổ sung 3 Khoản mới ở 2 Điều); bãi bỏ Khoản 2, Điều 32 của Luật số 30/2023/QH15 về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, do đã thu hút nội dung vào Dự thảo Luật; Điều 2 về hiệu lực thi hành; Điều 3 về quy định chuyển tiếp”- bà Nguyễn Thúy Anh thông tin.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn. Cụ thể: Về đối tượng tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT (Điều 12, Điều 13 sửa đổi, bổ sung), nhiều ý kiến ĐBQH góp ý về các đối tượng tham gia BHYT, dự kiến Điều 12 của Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các đối tượng được quy định trong luật hiện hành; bổ sung các đối tượng đã được luật khác quy định, trong đó có luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp 8 như: Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Toàn cảnh Phiên họp

Đồng thời, bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; chưa bổ sung vào Dự thảo Luật thân nhân của dân quân thường trực do Luật Dân quân tự vệ không quy định chế độ BHYT cho đối tượng này. Bên cạnh đó, Điều 13 của Dự thảo Luật đã điều chỉnh các quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT để đồng bộ với việc sửa các đối tượng tham gia BHYT. Trong đó, quy định đối tượng HSSV tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ để đảm bảo tính ổn định khi tham gia BHYT của nhóm đối tượng này.

Về quy định phạm vi được hưởng, mức hưởng, đăng ký KCB BHYT ban đầu, chuyển cơ sở KCB BHYT (Điều 21, 22, 26 và 27 sửa đổi, bổ sung), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH và để đồng bộ với Luật KCB năm 2023, Dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ các hình thức KCB mới được thanh toán chi phí KCB BHYT như: KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà (Điểm a, Khoản 1, Điều 21 sửa đổi, bổ sung).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Phiên họp

Về đăng ký KCB ban đầu, KCB theo cấp chuyên môn kỹ thuật, Dự thảo Luật hiện đang được thiết kế theo hướng quy định quyền của người có thẻ BHYT trong việc đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB cấp ban đầu và cấp cơ bản; khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ BHYT cho cơ sở đăng ký KCB ban đầu và giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tại Điều 26; quy định việc chuyển cơ sở KCB được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB, việc chuyển người bệnh về cơ sở KCB BHYT ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính tại Điều 27.

Quy định về mức hưởng BHYT được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ “địa giới hành chính” trong KCB theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ ổn định mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu tiếp tục hưởng mức BHYT chi trả 95% chi phí KCB như quy định hiện hành để bảo đảm sự công bằng với các đối tượng hưu trí khác.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại Phiên họp

Liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động KCB lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8%. Trong đó, dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng và quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí KCB để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh quyết toán tại Điều 35. Đồng thời, quy định việc mua thuốc, thiết bị y tế và thanh toán thuốc, thiết bị y tế, chuyển dịch vụ cận lâm sàng trong trường hợp cơ sở KCB thiếu thuốc, thiết bị y tế để điều trị cho người bệnh và quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này tại Điều 31.

Để khắc phục tình trạng không đủ căn cứ đánh giá tính hợp lý của hoạt động cung cấp dịch vụ KCB, Dự thảo Luật đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB tại Điều 6. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức, trong đó có chi phí quản lý quỹ BHYT của cơ quan BHXH hằng năm tại Khoản 2 Điều 10 để đồng bộ với Luật BHXH.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật bổ sung quy định việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT, thực hiện việc liên thông và sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở KCB phù hợp yêu cầu chuyên môn trước 1/1/2027; giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giải pháp tăng cường năng lực KCB BHYT cho y tế cơ sở, ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ y tế thuộc phạm vi chi trả của BHYT; giảm thời gian cấp thẻ BHYT từ 10 ngày xuống 5 ngày làm việc; bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử tại Điều 17; bổ sung trường hợp tạm dừng hợp đồng tại Khoản 3 Điều 25 cho phù hợp với thực tiễn; làm rõ khái niệm thanh toán theo giá dịch vụ và nhóm chẩn đoán tại các Điểm b, c của Khoản 1 Điều 30; sửa đổi Điều 49 về xử lý vi phạm để quy định có tính khả thi; chỉnh lý hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp…

Vũ Thu