Print

Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài

Thứ Tư, 20 /11/2024 14:28

Số lượng người nhập cư vào các quốc gia OECD đạt kỷ lục vào năm ngoái, trong đó Mỹ chấp nhận 1,2 triệu người nhập cư hợp pháp.

Báo cáo Triển vọng Di cư Quốc tế 2024 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, số lượng người nhập cư vào các quốc gia thành viên của Tổ chức này đạt mức cao trong năm thứ hai liên tiếp, phản ánh nhu cầu lớn về lao động nước ngoài, một phần nguyên nhân do dân số già gây ra.

Cụ thể, tổng cộng có 6,5 triệu người nhập cư theo diện định cư lâu dài tại 38 quốc gia thành viên của OECD vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022. Bên cạnh đó, số lượng người nhập cư tạm thời và người xin tị nạn cũng tăng, trong đó có nhiều buộc phải di tản bởi xung đột, nội chiến hoặc nghèo đói.

Đại diện Bộ phận Việc làm, Lao động và Các vấn đề xã hội thuộc OECD cung cấp thông tin: Mặc dù tỷ lệ di cư cao làm ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội, cũng như đời sống người dân của quốc gia tiếp nhận, song “cũng mang đến nhiều cơ hội quan trọng”: “Bởi nhiều quốc gia OECD hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và áp lực thay đổi nhân khẩu học; do đó, người nhập cư góp phần quan trọng vào nguồn cung trên thị trường lao động, cũng như tăng trưởng kinh tế liên tục của các quốc gia họ đến".

Năm 2023, số lượng người nhập cư hợp pháp vào các quốc gia thành viên của OECD đạt mức cao kỷ lục. Mỹ là điểm đến chính, với việc tiếp nhận 1,2 triệu người nhập cư hợp pháp, con số cao nhất kể từ năm 2006. Tiếp theo là Vương quốc Anh, tiếp nhận 747.000 người; Canada, 472.000 người; Pháp, 298.000 người; Nhật Bản, 155.000 người và Thụy Sĩ, 144.500 người. Ở chiều ngược lại, Đan Mạch, Estonia, Israel, Ý, Litva và New Zealand chứng kiến sự sụt giảm về người nhập cư.

Báo cáo Triển vọng Di cư Quốc tế 2024 cho biết thêm, một trong những lý do dẫn đến sự gia tăng số lượng người nhập cư hợp pháp là “đoàn tụ thân nhân”, hay nói cách khác là nhập cư sau khi được gia đình họ bảo lãnh- chiếm 43% tổng số người nhập cư mới. Việc này có thể do thủ tục bảo lãnh và kế hoạch nhập cư bị trì hoãn những năm qua do sự bùng phát của virus Corona. Ngoài ra, các quốc gia thành viên của OECD cũng tiếp nhận 650.000 người tị nạn, hầu hết liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Tùng Anh (Theo Today Online)