Print

Ứng dụng y tế từ xa: Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế

Thứ Sáu, 22 /11/2024 07:31

Dự án Ứng dụng y tế từ xa là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, UNDP và KOFIH. Sáng kiến này không chỉ cung cấp các giải pháp thiết thực như cung cấp trang thiết bị CNTT, đào tạo nhân lực y tế, mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng miền.

Ngày 21/11, Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức Lễ Khởi động Dự án Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam- Đây là sáng kiến mang tính đột phá khi lần đầu tiên, các hoạt động KCB từ xa được triển khai tới tuyến xã, nhằm phục vụ người dân ở các khu vực khó khăn như vùng cao và vùng sâu vùng xa.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các khu vực vẫn còn lớn, đặc biệt với người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, và những nhóm yếu thế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.

Dự án KCB từ xa lần này tập trung vào việc khắc phục những bất cập nêu trên. Với mục tiêu ưu tiên những nhóm yếu thế nhất, dự án sẽ triển khai tại 10 tỉnh khó khăn: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre, Cà Mau. Đây là những địa phương có hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế, và người dân thường phải đi quãng đường dài để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, hệ thống KCB từ xa “Bác sĩ cho mọi nhà” đã chứng minh hiệu quả trong việc kết nối hơn 1,3 triệu người dân với các cơ sở y tế. Hệ thống này cũng đã đào tạo hơn 3.000 nhân viên y tế, nâng cao năng lực KCB tại tuyến cơ sở. Việc tích hợp "Bác sĩ cho mọi nhà" với nền tảng công nghệ VTelehealth không chỉ tăng cường hiệu quả vận hành mà còn góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT tại các cơ sở y tế.

Bà Ramla Khalidi- Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong việc thúc đẩy công bằng y tế. “Cùng với Bộ Y tế, mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo không để bất kỳ ai, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Dự án này là minh chứng rõ ràng cho thấy công nghệ số có thể nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại tuyến cơ sở và cải thiện sức khỏe cho những nhóm yếu thế nhất”- chuyên gia UNDP nhấn mạnh.

Cam kết này cũng được TS-BS.Hà Anh Đức- Cục trưởng Cục Quản lý KCB khẳng định. Ông Đức nhấn mạnh: “Từ năm 2020, Bộ Y tế đã phối hợp với UNDP phát triển chương trình tư vấn KCB từ xa tại tuyến cơ sở, sử dụng phần mềm ‘Bác sĩ cho mọi nhà’. Chương trình này đã triển khai tại 8 tỉnh khó khăn, gồm Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Cà Mau và đạt được những kết quả rất tích cực.”

Từ những thành công ban đầu, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng dự án bằng sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOFIH) và UNDP, với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại hơn 2,3 triệu USD. Dự án mới hứa hẹn sẽ tạo điều kiện tốt hơn để mọi người dân, bất kể địa lý hay hoàn cảnh, đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.

Dự án sẽ được triển khai từ nay đến ngày 1/12/2026 với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện toàn diện năng lực y tế cơ sở. Trong đó, 250 trạm y tế tại 10 tỉnh được chọn sẽ được hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị hiện đại, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ y tế tại địa phương.

Ngoài ra, dự án chú trọng tới những nhóm yếu thế như người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, lao hoặc các bệnh không lây nhiễm khác. Họ sẽ được chăm sóc tốt hơn nhờ ứng dụng công nghệ KCB từ xa và các giải pháp quản lý y tế hiện đại. Một trong những điểm sáng của dự án là việc nâng cấp phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” với các tính năng chuyên môn mới, như giám sát, đánh giá nâng cao, và tích hợp với hệ thống thông tin y tế (HIS) và đơn thuốc điện tử. Cơ sở hạ tầng CNTT cũng được cải thiện đáng kể để hỗ trợ lưu trữ, quản lý dữ liệu, giúp hệ thống vận hành trơn tru và hiệu quả.

Ông Dương Huy Lương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB chia sẻ: “Dự án không chỉ đơn thuần tập trung vào việc nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở, mà còn đặt trọng tâm vào việc gắn kết cộng đồng, xây dựng niềm tin của người dân với hệ thống y tế. Chúng tôi kỳ vọng rằng, thông qua dự án, người dân ở vùng sâu, vùng xa sẽ có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngang bằng với các khu vực khác. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thực hiện cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Dự án “Ứng dụng y tế từ xa” là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, UNDP và KOFIH. Sáng kiến này không chỉ cung cấp các giải pháp thiết thực như cung cấp trang thiết bị CNTT, đào tạo nhân lực y tế, mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng miền. Mặc dù dự án vẫn đối mặt với nhiều thách thức, từ việc triển khai trên diện rộng đến bảo đảm tính bền vững của hệ thống. Tuy nhiên, đây là một bước đi đầy hứa hẹn để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế và quyết tâm từ phía Việt Nam, dự án này không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong chăm sóc sức khỏe. Sáng kiến này không chỉ là một giải pháp mang tính kỹ thuật mà còn là biểu tượng của tinh thần nhân văn, vì một Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau. Thông qua dự án, hàng triệu người dân sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và bình đẳng hơn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu.

Quốc Khánh