Trẻ em đang phải đối mặt với một “đại dương” quảng cáo khổng lồ
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, chiều 25/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Chi tiết các quy định về nội dung, hình thức quảng cáo nhắm vào trẻ em
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, lĩnh vực quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý.
ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng)
Quan tâm đến vấn đề tác động của quảng cáo đối với trẻ em, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu rõ, thực tế cho thấy, trẻ em đang ngày càng phải đối mặt với những hình thức quảng cáo tinh vi, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các em. Theo đó, trong kỷ nguyên số, trẻ em đang phải đối mặt với một “đại dương” quảng cáo khổng lồ. Các thuật toán thông minh không ngừng phân tích hành vi của trẻ để đưa ra những quảng cáo cá nhân, vô hình trung tạo ra áp lực lớn lên tâm lý của các em. Việc tiếp xúc quá sớm và thường xuyên với quảng cáo có thể dẫn đến các vấn đề như tiêu dùng bốc đồng, hình thành những chuẩn mực không lành mạnh về vẻ đẹp và thành công, thậm chí gây ra các rối loạn tâm lý.
Để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ, ĐB Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh, cần có những hành động quyết liệt hơn. Mặc dù đã có những quy định rõ ràng, việc bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, quảng cáo trên mạng xã hội rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt là các quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thống. Các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em, đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của quảng cáo đối với trẻ em, dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ.
ĐB Lê Văn Khảm (Bình Dương)
Cùng quan điểm, ĐB Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, quảng cáo có tác động và tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực, tác động đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ em. Vì vậy, Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong mỹ tục và cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em.
Theo đó, những quy định này là đúng, nhưng còn tương đối chung chung, chưa thực sự rõ ràng. Việc nhận diện hay đánh giá thế nào về ảnh hưởng xấu của quảng cáo đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em là vấn đề cần quan tâm. Do đó, cần nghiên cứu để quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em; phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo.
Xử lý hiệu quả vi phạm trong hoạt động quảng cáo
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ mong muốn việc sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật lần này quan tâm đến các quy định về quản lý và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Bởi, Luật Quảng cáo 2012 chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống, chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến. Vì vậy, hiện nay có hơn 70% trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh)
Do vậy, cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong Dự thảo Luật. Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm: Quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo (nhà quảng cáo, các nền tảng trực tuyến). Thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa Bộ VH-TT&DL với Bộ TT-TT và Bộ Công an để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn.
Theo ĐB Bình, thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như: Facebook, Google, Tiktok... Năm 2023, các nền tảng này chiếm 75% doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí truyền thống chỉ chiếm dưới 10%. Đáng chú ý, các nền tảng này thường không đăng ký đầy đủ hoạt động tại Việt Nam hoặc chỉ đăng ký một phần, dẫn đến việc không thể quản lý thuế một cách hiệu quả. Năm 2023, Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến, gây áp lực lên nguồn thu ngân sách quốc gia.
“Cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị. Thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các DN vi phạm để răn đe. Đồng thời, các quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng một cách trái phép; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân”- ĐB Bình đề nghị.
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)
Còn ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị xem xét kỹ lưỡng tính cần thiết của quy định này, bởi mục đích quy định là ràng buộc trách nhiệm của người có ảnh hưởng làm quảng cáo, nhưng đối với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì cần xét về cơ địa, thói quen sinh hoạt, ăn uống, khí hậu vùng miền… Đồng thời, nên xét đến người được thuê đại diện nhãn hàng quảng cáo và cơ sở sản xuất, kinh doanh dựa trên hợp đồng. Trên thế giới vẫn có trường hợp một người nổi tiếng đại diện cho nhiều nhãn hàng, nên việc kiểm tra chất lượng nên giao cho các cơ quan thẩm định có chuyên môn thì khoa học, phù hợp hơn.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã có 17 ý kiến phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã phát biểu làm rõ 4 nhóm nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đồng thời, qua thảo luận, đa số ĐBQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật; kịp thời có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các ĐBQH ngay trong Kỳ họp thứ 8.
Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và kỳ vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo. Đồng thời, nhiều ý kiến phát biểu về các nội dung như: Quảng cáo trên báo in, quảng cáo trên báo hình, quảng cáo ngoài trời, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ở các cấp.
Vũ Thu