Print

Tác giả ca khúc “Tin yêu” chia sẻ cảm xúc sáng tác

Thứ Tư, 27 /11/2024 11:04

“Tin yêu” là một trong 3 ca khúc đạt giải B tại Cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do BHXH Việt Nam phát động. Mới đây, phóng viên Tạp chí BHXH có duyên hội ngộ với tác giả ca khúc, hiện đang sinh sống tại Kon Tum và ghi nhận không ít thông tin thú vị.

Trong chuyến thực tế cơ sở vào cuối tháng 11 tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), anh Lê Hồng Hà- Phó Giám đốc BHXH huyện hỏi chúng tôi: “Mình vừa có bài hát Tin yêu đạt giải B sáng tác cho ngành mình nè, anh nghe không, hay lắm!...”.

Cô giáo Võ Nguyên Hằng- tác giả ca khúc “Tin yêu” hiện công tác tại Trường THCS Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng

Theo anh Hà, đây là bản gốc do tác giả tự hòa âm phối khí, giai điệu nhẹ nhàng, sinh động của thể loại nhạc pop, ca từ súc tích và chảy theo giai điệu với giọng hát trong trẻo, hút ngay xúc cảm người nghe. “Tác giả tự hát luôn à?”- nghe chúng tôi hỏi, anh Hà lắc đầu: “Không phải anh ạ, nhờ người khác hát. Anh có muốn gặp tác giả không, mình thiết kế được, cũng gần nhà mình ở TP.Kon Tum luôn”.

Hóa ra, anh Hà cũng là tay đờn guitar và thường xuyên giao lưu với các nhóm nhạc ở TP.Kon Tum. Sau khi BHXH Việt Nam công bố kết quả Cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hôm 19/11, thấy có ca khúc “Tin yêu” do tác giả Võ Nguyên Hằng ở TP.Kon Tum sáng tác, lại là người mình chưa từng giao lưu âm nhạc, anh bèn dò hỏi. Kết quả thật bất ngờ, tác giả lại chính là cô giáo của con gái anh Hà, hiện đang giảng dạy môn Thanh nhạc của Trường THCS Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng.

Ca khúc "Tin yêu" vượt hơn 100 bài hát dự thi để trở thành một trong 3 ca khúc đạt giải B 

Cô giáo thanh nhạc Võ Nguyên Hằng có khuôn mặt khả ái, tự nhiên. Chào chúng tôi với chất giọng nhẹ nhàng, điểm thêm nụ cười, cô Hằng cho biết: “Em không biết hôm nay được gặp hai anh nhà báo, do anh Hà và anh Tẩn không nói trước, mắc cỡ quá”. Anh Nguyễn Duy Tẩn là Giám đốc BHXH huyện Ngọc Hồi, cùng với vợ có mặt trong buổi trò chuyện. Vì có đến 3 người Kon Tum bên cạnh, nên tác giả ca khúc “Tin yêu” nhanh chóng thân thiện với khách.

“Em đâu nghĩ mình đạt giải B, vì đây mới là bài hát thứ 2 mà em sáng tác, nên hay tin ca khúc đạt giải, em vui nhiều lắm, tới mấy hôm liền mà cảm giác lâng lâng hãy còn chưa hết”- cô giáo Nguyên Hằng chia sẻ. Rời Học viện Âm nhạc Huế với sở trường đàn piano, Nguyên Hằng còn đam mê và luyện đàn violon thời gian dài sau đó, khi đã dạy tại Trường THCS. Được đào tạo bài bản và tiếp tục tự đào tạo, rèn luyện, song sáng tác đầu tay của Nguyên Hằng mới chỉ một năm trước đó.

“Em là học sinh chuyên Văn. Trong dịp kỷ niệm trường chuyên 30 năm thành lập, nhà trường có gợi ý em sáng tác bài hát. Quý trường và quý các thầy cô, nên em nhận lời. Đây là sáng tác đầu tay và em hết sức hồi hộp. Rất mừng là thầy cô và các em học sinh ở trường đón nhận và yêu thích ca khúc. Vậy nên, khi thầy Hiệu trưởng đề nghị em tham gia sáng tác ca khúc dự thi, em mới mạnh dạn gật đầu đó chứ...”- tác giả ca khúc đạt giải B giải thích thêm.

Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Bích Liên- người thể hiện truyền cảm ca khúc "Tin yêu" 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, sau khi BHXH Việt Nam phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH các tỉnh, thành cả nước đã đề nghị các đơn vị trên địa bàn tham gia. Là người rất quan tâm đến chính sách nhân văn này, nên ngay khi nhận được văn bản đề nghị tham gia Cuộc thi, thầy Hiệu trưởng Trường THCS Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng bèn khích lệ, động viên giáo viên thanh nhạc Võ Thị Nguyên Hằng tham gia. Cũng nhờ sự động viên ấy mà ca khúc “Tin yêu” ra đời và vượt hơn 100 bài hát dự thi để đạt giải B.

“Để có ca từ súc tích và đi vào lòng người, em dành rất nhiều thời gian để đọc các bài báo viết về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, về nghĩa vụ tham gia của DN và NLĐ, đặc biệt là về các quyền lợi mà NLĐ được hưởng, trước mắt và lâu dài, khi đã hết tuổi lao động. Hiểu ý nghĩa nhân văn của chính sách, em lại đọc thêm báo viết về những hoàn cảnh NLĐ hụt lưới an sinh vì nhiều lý do, để rồi sau đó khổ chồng khổ. Em lại đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí của NLĐ. Lúc là người được bảo vệ, được trọn vẹn quyền lợi. Lúc lại là người hụt hẫng vì rời lưới an sinh. Xúc cảm từ đó trào dâng và ca từ tuôn chảy...”- tác giả ca khúc thuật lại quá trình sáng tác.

“Thế còn người thể hiện bài hát là ai mà chất giọng hay quá vậy cô giáo?”- chúng tôi hỏi thêm. “Dạ, là cô giáo Nguyễn Thị Bích Liên, đồng nghiệp của em ở Trường Mầm non Tuổi Hoa trên địa bàn TP.Kon Tum luôn”. Thì ra, để lựa chọn giọng hát phù hợp, khiến người nghe có thiện cảm ngay với bài hát và muốn nghe đến hết bài, tác giả đã “chọn mặt gửi vàng” nơi cô giáo mầm non. Quả nhiên, sự lựa chọn này đã khiến ca khúc “Tin yêu” thêm cơ hội chinh phục người nghe.

Là giáo dân Công giáo ngoan đạo, từ bé, Võ Thị Nguyên Hằng đã được tiếp xúc và làm quen với các nốt nhạc. Cũng nhờ sự dìu dắt của các nữ tu, lớn lên, Nguyên Hằng gắn bó với âm nhạc trong ca đoàn nhà thờ cho tới nay. Theo tác giả ca khúc, đó là môi trường giúp bản thân cô chắc nền tảng và tình yêu dành cho âm nhạc. Còn đối với giải B tại Cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do BHXH Việt Nam phát động, Nguyên Hằng trải lòng “đây là chỗ dựa lớn của lòng tin nơi bản thân đối với lĩnh vực sáng tác”.

Cô giáo thanh nhạc Võ Nguyên Hằng còn "khoe" với chúng tôi, “Hồi đó, trên non”- một ca khúc vừa được cô phổ nhạc từ thơ của Minh Chinh. “Đây là sáng tác thứ ba của em và sự tự tin đã lớn nhiều trong em sau khi "Tin yêu" đạt giải. Em sẽ dành nhiều thời gian hơn cho lĩnh vực sáng tác...”- Võ Nguyên Hằng chia sẻ thêm.

Đỗ Bá-Tấn Đức