Về quê khởi nghiệp- trào lưu mới của người trẻ ở Trung Quốc
Nếu như trước kia nhiều người trẻ tuổi ở quốc gia tỷ dân khát khao tới các thành phố lớn định cư thì những năm gần đây, không ít người lại muốn trở về quê sinh sống.
Theo xu hướng chung, cơ hội ở các thành phố lớn của Trung Quốc dần trở nên bão hòa nhưng áp lực công việc, gia đình và cuộc sống vẫn gia tăng. Trong khi đó, với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhiều huyện lị và thị trấn nhỏ lại đang trở thành vùng đệm giữa ước mơ và hiện thực của nhiều người, tạo nên trào lưu mới về quê lập nghiệp của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ 9X.
"Thời học đại học, tôi đã dự tính trở về quê rồi"- Trần Dịch Trừng, năm nay 26 tuổi, đến từ huyện Tĩnh An, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) chia sẻ. Khi còn học thạc sĩ tại Đại học Trung văn Hong Kong, cô gái này đã bắt đầu triển khai kế hoạch khởi nghiệp của mình. Sau khi tốt nghiệp, Trần Dịch Trừng trở về quê hương- một huyện nhỏ với dân số chỉ 160.000 người. Tháng 4/2022, cô đã đăng ký thành lập một công ty thương mại điện tử tại huyện Tĩnh An. Đến nay, cô đã mở hai công ty thương mại điện tử, một xưởng chế biến thực phẩm, hai cửa hàng cà phê thương hiệu COTTI COFFEE. Quý I năm nay, Trần Dịch Trừng đã giúp một doanh nghiệp kinh doanh đậu phụ ở địa phương tiêu thụ hàng hóa với doanh thu đạt hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng).
Năm 2019, Tiểu Đổng, 23 tuổi, từ bỏ công việc làm thuê ở thành phố Trùng Khánh và trở về quê ở huyện Nam Giang, tỉnh Tứ Xuyên, để mở một bệnh viện thú y đầu tiên tại địa phương. Mặc dù kinh tế ở Nam Giang vẫn chưa phát triển nhưng người dân nơi đây rất yêu đời và nhiều người thích nuôi thú cưng như chó, mèo...
"Tôi không có ngày nghỉ. Thời gian làm việc của bệnh viện là từ 8h30 sáng đến 20h30 tối. Có hôm có tới 8-10 ca phẫu thuật, đều do tôi làm chính", Tiểu Đồng cho biết. Cô gái trẻ cho biết, tuy đầu tư khá lớn vào bệnh viện nhưng năm 2023 cô đã thu hồi được vốn và dùng tiền kiếm được mở thêm một cửa hàng đồ dùng cho thú cưng.
Nhiều người cho biết, những năm gần đây, giới trẻ trở về quê hương làm ăn đã trở thành xu hướng. Chất lượng cuộc sống ở các thị trấn và huyện lị cũng đã được cải thiện rất nhiều nhờ sự hoàn thiện của các cơ sở hạ tầng, mức độ phổ cập của Internet với nhiều trạm phát sóng 5G được lắp đặt, và sự phát triển của hệ thống giao thông tiện lợi. Các phố huyện cũng xuất hiện rất nhiều quán trà, quán cà phê, cửa hàng thời trang tinh tế gắn với các thương hiệu nổi tiếng. Theo thống kê, hơn 2.800 huyện đang trở thành cực tăng trưởng thứ hai thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc. Do đó, trở về phố huyện không những chỉ là cảng tránh gió cho những người gặp trắc trở trong việc tìm kiếm cuộc sống nơi đô thị lớn, mà còn là một lựa chọn tự chủ nắm bắt cơ hội cuộc đời của những người khởi nghiệp.
Lâm Văn học cao đẳng chuyên ngành công trình xây dựng, sau khi tốt nghiệp đã ở lại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, để làm các công việc tại công trường, kinh doanh dịch vụ ăn uống, mở cửa hàng giao nhanh đồ ăn. Trong quá trình làm việc, anh phát hiện nghề trang trí nội thất là một khoảng trống ở huyện nhà. Năm 2019, anh liền đầu tư hơn 300.000 nhân dân tệ, trở về huyện Viễn An ở tỉnh Hồ Bắc thành lập công ty trang trí nội thất của mình và nhận được nhiều đơn hàng.
Tại các huyện nhỏ ở Trung Quốc, trình độ và mức độ tiêu dùng cũng không ngừng nâng cao trong những năm gần đây, cùng với giá thuê nhà rẻ và chi phí khởi nghiệp thấp đã cung cấp không gian thị trường và tiềm năng phát triển rộng lớn cho nhiều người thuộc thế hệ 9X. Bên cạnh đó, chính quyền các huyện ở Trung Quốc cũng đang tích cực khích lệ giới trẻ trở về quê hương khởi nghiệp. Những yếu tố này càng thúc đẩy nhiều người trẻ tuổi trở lại quê nhà để xây dựng cuộc sống.
Hoàng Dương