Print

Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Thứ Bảy, 30 /11/2024 16:51

Sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm cao, chiều 30/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp lớn. Trên cơ sở xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật, đổi mới trong công tác phối hợp giữa Ủy ban TVQH và Chính phủ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao; xem xét, thông qua 21 nghị quyết (4 nghị quyết quy phạm pháp luật).

Đồng thời, Quốc hội đã thảo luận các Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, NSNN năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và nhiều tờ trình, đề án về các vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh, phát huy tối đa các nguồn lực, cơ hội phát triển.

“Quốc hội đã xem xét Báo cáo và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và một số báo cáo quan trọng khác. Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 3 lĩnh vực: Ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ và những đổi mới hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương; cũng như đã thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, bất cập của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để thực hiện kịp thời, có hiệu quả những cam kết trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, có các giải pháp hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội, Ủy ban TVQH trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan hữu quan…”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bước sang năm 2025, năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021-2026, trên tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, trong đó có yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới, Quốc hội, Ủy ban TVQH và các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; đồng hành cùng với Chính phủ nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, tạo tiền đề tốt nhất cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

“Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các vị khách quý, các vị ĐBQH và đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, với 464/464 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,87% tổng số ĐBQH, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo Nghị quyết, Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng DN, các tầng lớp nhân dân đã cơ bản hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2024.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi ngay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa định hướng đổi mới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính kịp thời, chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan.

Đồng thời, chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới; những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Từ đó, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.

Cùng với đó, Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, bổ sung 55.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương vào dự toán thu NSNN năm 2024; bổ sung tương ứng vào dự toán chi NSNN năm 2024.

Trong đó, bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; số còn lại trong phạm vi nguồn 55.000 tỷ đồng sau khi đã bổ sung cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 2.980 tỷ đồng trong cân đối NSNN năm đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 105/2023/QH15, giao Chính phủ quyết định bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Chính phủ khẩn trương thực hiện phân bổ nhiệm vụ chi này cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tính kịp thời. Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, sự cần thiết, tính đầy đủ, hợp lý, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi bảo đảm đúng quy định pháp luật; khẩn trương tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả NSNN.

Vũ Thu