Print

WHO lạc quan về thỏa thuận ứng phó các đại dịch tương lai

Thứ Tư, 04 /12/2024 14:21

Các đại diện của 194 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, ngày 2/12, đã bắt đầu một tuần họp mới trong vòng đàm phán thứ 12 nhằm tiến tới một thỏa thuận toàn cầu về việc xử lý các đại dịch trong tương lai.

Phiên họp tại trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva diễn ra 3 năm sau khi việc soạn thảo thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang ở giai đoạn căng thẳng. Các cuộc đàm phán ngày 2/12 tập trung vào nghiên cứu và phát triển, tài trợ bền vững, chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất các sinh phẩm, sản phẩm y tế liên quan đến phòng ngừa và giám sát dịch bệnh, cũng như hướng tới trọng tâm của thỏa thuận là hệ thống tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích được đề xuất.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được trong 3 năm qua, đồng thời khuyến khích các nước nên tin tưởng mục tiêu phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với các đại dịch tương lai gần ngay trước mắt và có thể hoàn tất những vấn đề còn tồn đọng trước khi kết thúc năm nay. Ông Tedros nhấn mạnh, để thỏa thuận ứng phó với các đại dịch tương lai có ý nghĩa, các quốc gia cần thống nhất những điều khoản phòng ngừa mạnh mẽ, công bằng và có khả năng phục hồi. 

Nếu so với tiến trình và tốc độ đàm phán nhiều hiệp ước trước đây thì việc các nước thành viên Liên Hợp Quốc có thể đi đến ký kết một thỏa thuận quốc tế trong hơn ba năm một chút đồng nghĩa tốc độ khá nhanh chóng.

Phiên họp kéo dài một tuần lần này là phiên họp tiếp theo của vòng đàm phán thứ 12 diễn ra trong các ngày 4-15 tháng 11 năm 2024. Những cách biệt chưa thể san lấp đã khiến các cuộc thương lượng trước đây về hiệp ước này còn dang dở. Quá nhiều vấn đề tồn đọng, nổi bật là lợi ích của các quốc gia phương Tây vốn có ngành dược phẩm phát triển mạnh, trong khi các quốc gia nghèo có thể bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch. Các nước cũng chưa thể thống nhất về việc chưa sẻ công bằng nguồn lực liên quan đến đại dịch như cách tiếp cận các yếu tố gây bệnh, vắc xin, hoạt động xét nghiệm, phương pháp điều trị. Bên cạnh đó là nhiều thách thức liên quan đến việc giám sát, các biện pháp phòng ngừa và chuyển giao công nghệ cho các quốc gia kém phát triển hơn. 

Giới quan sát kỳ vọng, các nhà đàm phán sẽ nắm bắt cơ hội lần này để khơi thông thế bế tắc và "cán đích" trước thời hạn chót tháng 5/2025. Giám đốc phụ trách xử lý các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan đánh giá, hiện nay đã có sự gia tăng ý chí chung hướng đến thỏa thuận, mặc dù sự cấp bách về thời gian không phải là yếu tố thuận lợi. Các quốc gia đều thể hiện sự nhất trí, quyết tâm thu hẹp bất đồng, sớm xây dựng thành công thỏa thuận về ứng phó đại dịch trong tương lai.

Theo kế hoạch, vào ngày 6/12 tới, các quốc gia sẽ đánh giá và quyết định xem đã đạt được đủ tiến triển để triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Y tế Thế giới nhằm thông qua thỏa thuận hoàn tất hay chưa. Thông thường, một phiên họp đặc biệt của cơ quan ra quyết định hàng đầu của WHO này diễn ra trong vòng 35 ngày.

Hiển nhiên, khi một đại dịch xuất hiện thì không quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, có thể an toàn nếu trên thế giới vẫn còn nước phải chống dịch. Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết, trong 5 năm qua, có đến 25 trong số 53 quốc gia thành viên WHO tại châu Âu xảy ra ít nhất một tình huống y tế khẩn cấp.

Ngọc Tuấn