Print

BHXH tỉnh Kon Tum 30 năm đồng hành cùng chính sách an sinh

Thứ Bảy, 07 /12/2024 11:13

Kon Tum là địa phương miền núi vùng Tây Nguyên. Qua triển khai chính sách BHXH, BHYT, nhận thức của xã hội, đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT. Qua đó, đã góp phần tăng thêm niềm tin, sự phấn khởi, xây dựng được tinh thần tham gia BHXH, BHYT, số người tham gia BHXH, BHYT tăng lên hàng năm.

Chủ động truyền thông chính sách BHXH, BHYT

BHXH tỉnh Kon Tum được thành lập từ ngày 20/7/1995 theo Quyết định số 37/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Khi mới thành lập, cơ cấu tổ chức của BHXH tỉnh Kon Tum chỉ có 3 phòng chức năng và 7 BHXH huyện, thị xã. Đến nay, cơ cấu tổ chức BHXH tỉnh có 8 phòng nghiệp vụ và 9 BHXH cấp huyện gồm: Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Kon Rẫy, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Ia H’Drai.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, của BHXH Việt Nam, cuối năm 2019 BHXH tỉnh Kon Tum đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với việc cải cách TTHC, BHXH tỉnh Kon Tum cũng đồng thời chú trọng nâng cao và tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ CCVC về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ tác phong công tác từ hành chính sang phục vụ. Xây dựng đội ngũ công chức viên chức có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong điều kiện mới.BHXH tỉnh xác định CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa then chốt, quyết định sự thành công của ngành BHXH. Trong những năm qua, cùng với toàn ngành, BHXH tỉnh Kon Tum đã không ngừng tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Công tác chỉ đạo điều hành nhiệm vụ CCHC được thực hiện một cách đồng bộ, tích cực thông qua việc kịp thời ban hành Kế hoạch CCHC, Kế hoạch kiểm soát TTHC hàng năm. Công tác truyền thông về CCHC được triển khai thường xuyên trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh Kon Tum và các kênh mạng xã hội, đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc thông tin kịp thời các nội dung liên quan đến CCHC.

Để chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào đời sống, công tác truyền thông luôn được BHXH tỉnh đặc biệt quan tâm, thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm trọng điểm, đa dạng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT.

Đổi mới nội dung là điểm nhấn ấn tượng, từ 2020, thực hiện Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, nội dung tuyên truyền, phổ biến đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Nội dung truyền thông ngắn gọn, xúc tích với việc xây dựng các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ; bên cạnh nội dung phổ biến kiến thức, chính sách BHXH, BHYT thì tăng cường đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường truyền thông về các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong thụ hưởng và thực hiện các chính sách.

Đổi mới hình thức cũng được chú trọng, trước đây hình thức truyền thông trực tiếp về số lượng và chất lượng còn nhiều hạn chế. Hình thức chủ yếu là phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan, theo tính chất từng giai đoạn, không liên tục và chủ yếu là mang tính chất phổ biến nội dung cơ bản về chính sách chưa thật sự tuyên truyền sâu rộng, bám sát đến từng nhóm người tiềm năng. Từ 2018 tới nay, hằng năm, BHXH tỉnh chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội triển khai hiệu quả hình thức truyền thông trực tiếp, đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng, mô hình tổ chức truyền thông đa dạng về hình thức: đối thoại, tọa đàm trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ, theo hộ gia đình…Xây dựng nội dung và hình thức tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng cũng như điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị.

Trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân tại Kon Tum

Đổi mới truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được đẩy mạnh với việc xây dựng, biên tập các sản phẩm truyền thông: Các sản phẩm truyền thông mới, hiện đại như infographic, motiongraphic… Việc đẩy mạnh sản xuất, đăng tải, phát sóng các thể loại báo chí hiện đại về BHXH, BHYT, góp phần tạo sức hút và lan tỏa các chính sách an sinh xã hội tới đông đảo độc giả. Đáng chú ý là đã tổ chức các buổi ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ cấp tỉnh đến cấp huyện; tăng cường truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến tận thôn, làng, xã phường về chính sách BHYT, BHXH bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số.

Nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng

Công tác phát triển người tham gia và thu BHXH, BHYT được lãnh đạo BHXH tỉnh Kon Tum qua các thời kỳ xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của ngành, đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để đạt được kết quả quan trọng. Cụ thể, năm 1995 số người tham gia BHXH có 11.194 lao động thì sau 30 năm đã có 64.683 lao động tham gia BHXH, tăng 53.489 lao động, gấp 5,78 lần. Năm 2003, khi BHYT sát nhập vào BHXH, số người tham gia BHYT chỉ ở con số 30.088 người thì đến nay đã nhảy vọt lên 538.922 người, tăng 508.834 người, gấp 17,9 lần. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,15% dân số của tỉnh. Với số lượng người tham gia BHXH, BHYT không ngừng gia tăng hành năm, theo đó số thu cũng tăng tương ứng.

Với số người tham gia và số thu tăng cao, điều này khẳng định, số người lao động, người dân được thụ hưởng các quyền lợi an sinh cơ bản nhất theo quy định của Hiến pháp thông qua các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng được tăng lên; tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng. Công tác quyết chế độ, chính sách được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt là chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng, đảm bảo nguyên tắc "đóng- hưởng"; phương thức hoạt động của hệ thống ngành BHXH Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và Nhân dân. Ước thực hiện chi trả cho năm 2024 cho khoảng 11.350 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, giải quyết 5.000 người hưởng trợ cấp 1 lần, 3.900 lượt người hưởng các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ, 2.500 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Khen thưởng cá nhân, tập thể trong thực hiện BHYT HSSV

Công tác giám định, quản lý quỹ BHYT cũng được triển khai động bộ nhiều giải pháp; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT; chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT. Qua đó đã góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn… Kể từ năm 2003 (khi BHYT sáp nhập vào cơ quan BHXH) đến hết năm 2024, BHXH tỉnh đã thực hiện chi trả cho gần 15 triệu lượt người KCB, với tổng số tiền lên trên 4.000 tỷ đồng. Số lượt và chi phí KCB BHYT trên địa bàn tỉnh tăng mạnh qua các năm. Mặc dù, số lượt và chi phí KCB BHYT tăng mạnh qua hàng năm nhưng cơ quan BHXH vẫn đảm bảo thực hiện tốt công tác giám định, kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, đảm bảo số chi nằm trong phạm vi dự toán chi KCB BHYT được giao hàng năm. Đạt được kết quả trên là do hàng năm, BHXH tỉnh chủ động rà soát, ký hợp đồng với các cơ sở y tế có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế trong phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT; công tác giám định BHYT được thực hiện đồng bộ cùng với thu, giám định, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH tỉnh và Sở Y tế trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT.

Chuyển đổi số xây dựng ngành BHXH hiện đại

Đến nay, sau gần 30 năm nỗ lực cống hiến và trưởng thành, BHXH tỉnh cùng với ngành BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống ngành dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trên địa bàn tỉnh với mạng lưới rộng lớn phủ khắp các huyện; đang từng ngày, từng giờ phục vụ gần 550 nghìn người tham gia BHYT.

Đặc biệt, BHXH tỉnh rất coi trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh việc chuyển đổi số bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm bớt được các khâu trung gian, các hoạt động tác nghiệp trở nên nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia; Tích hợp, kết nối liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan, đơn vị liên quan để quản lý, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; Cùng với BHXH Việt Nam triển khai thành công ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động “VssID - BHXH số” nhằm công khai, minh bạch quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách.

BHXH tỉnh Kon Tum đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Ứng dụng VssID-BHXH số là bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Sau hơn 3 năm triển khai, người dùng ngày càng hiểu được lợi ích, ý nghĩa vai trò của ứng dụng VssID không chỉ trong việc cung cấp thông tin, tra cứu, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến về BHXH, BHYT mà còn giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT của chủ SDLĐ cho NLĐ, góp phần ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Với các tính năng thiết thực của ứng dụng VssID, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 95.000 người sử dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao từ phía người dân.

Với lợi thế về hệ thống cơ sở dữ liệu lớn thường xuyên được làm giàu, BHXH tỉnh tập trung nguồn lực, điều kiện cần thiết, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số mạnh mẽ trong từng lĩnh vực công tác của Ngành trên cơ sở nền tảng, hạ tầng CNTT sẵn có, cùng với cả hệ thống chính trị, BHXH tỉnh đã nỗ lực, chủ động và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Ngành theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách.

Với việc triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, trọng tâm là việc xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là tiền đề quan trọng để BHXH Kon Tum đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ, giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về phát triển hạ tầng số, hiện 100% doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử. Ứng dụng VssID-BHXH số ngày càng hoàn thiện, phát triển, hiện toàn tỉnh có hơn 93 nghìn tài khoản sử dụng. Triển khai trợ lý ảo trong chăm sóc khách hàng, tiên phong trong triển khai tích hợp giải pháp kỳ số từ xa… Về phát triển dữ liệu số BHXH tỉnh Kon Tum đã và đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp DVC trực tuyến. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 99% người tham gia BHXH, BHYT được đồng bộ, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư. Hiện nay, toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp tại tỉnh Kon Tum đều đã thực hiện TTHC qua giao dịch điện tử (đạt trên 99%), không cần phải đến trực tiếp bộ phận một cửa để nộp hồ sơ. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST...

Trong triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, đến nay 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip với hơn 668 nghìn lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT. Việc chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt cũng được đẩy mạnh. Nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 55%; Chế độ BHXH một lần khoảng 91%; Trợ cấp thất nghiệp ước khoảng 99,6%.

BHXH tỉnh Kon Tum nhận Cờ Thi đua của Chình phủ

Có thể khẳng định, với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng CNTT, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đặc biệt là thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác CSDL của Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của toàn thể CCVC BHXH tỉnh Kon Tum cùng với toàn ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Ghi nhận những thành quả mà tập thể CCVC BHXH tỉnh Kon Tum đạt được trong 30 năm qua, Chính phủ, BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Kon Tum đã tặng nhiều bằng khen và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý cho BHXH tỉnh Kon Tum. Trong đó nổi bật là Huân chương lao động hạng nhì giai đoạn 2014-2018; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2019; Cờ thi đua của BHXH Việt Nam năm 2022, 2023... Phát huy những thành tựu đã đạt được qua 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể công chức viên chức ngành BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Phạm Lê Thọ