Nghề BHXH và những cái “khó” đặc thù
“Các đơn vị SDLĐ có lịch làm việc vào sáng thứ Bảy thì sẽ phải tính thời gian hưởng quyền lợi chế độ ốm đau thế nào? Thực tế là các DN rất lúng túng với quy định trong cách tính số ngày làm việc đã nghỉ làm căn cứ tính ngày nghỉ cũng như số tiền được hưởng chế độ ốm đau”- anh Lê Văn Linh, một cán bộ thuộc Phòng Hành chính- Nhân sự của DN chuyên ngành vận tải biển ở Hải Phòng chia sẻ băn khoăn với chúng tôi.
Một câu hỏi từ thực tế, cho thấy các vấn đề phức tạp luôn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bao gồm cả các chế độ ngắn hạn và dài hạn.
Cần nói thêm rằng, anh Linh đã có “thâm niên” gắn với với công tác BHXH tại DN từ năm 2009 cho đến nay; tức là đã khá “quen tay” nhưng nhiều khi vẫn gặp khó như thường.
Trở lại vấn đề mà anh Linh đang băn khoăn. Nói một cách dễ hiểu, theo quy định hiện hành (Luật BHXH 2014), với NLĐ đang tham gia BHXH tại các DN, ngày nghỉ hưởng chế độ ốm đau không kể đến ngày nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; khi NLĐ có thời gian nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng, mức hưởng sẽ tính được theo căn cứ lương đóng BHXH tại chính tháng đó.
Với DN thực hiện chế độ làm việc vào buổi sáng thứ Bảy hằng tuần, sẽ có thể có 3 cách tính số ngày nghỉ/tháng. Nếu làm tròn ngày nghỉ, tức nghỉ nửa ngày thứ Bảy được tính thành 1 ngày, như vậy sẽ có 8 ngày nghỉ/tháng. Trường hợp, tính đúng nửa ngày nghỉ thứ Bảy, sẽ có 6 ngày nghỉ/tháng. Trường hợp, không tính nửa ngày thứ Bảy, chỉ tính ngày nghỉ là Chủ nhật, sẽ có 4 ngày nghỉ/tháng.
Ngoài việc tính hưởng chế độ ốm đau, số ngày nghỉ khi vượt hay không vượt 14 ngày cũng sẽ quyết định đến việc NLĐ có thuộc diện đóng BHXH bắt buộc trong tháng đó hay không.
“Cán bộ ở DN khi tính quyền lợi, ngày nghỉ hưởng chế độ ốm đau hay khi phải xác định giảm đóng BHXH của NLĐ (do không đủ 14 ngày công) thường lúng túng và dễ làm không đúng”, anh Linh nêu lên thực tế.
Ngoài câu chuyện vừa nêu, thi thoảng chúng tôi còn được anh Linh nhắn tin “thắc mắc” về những vấn đề mới, như: đóng BHYT thế nào với NLĐ cao tuổi không có lương hưu, nhưng lại đang thuộc diện cấp thẻ BHYT từ ngân sách địa phương (hỗ trợ 100% với nhóm từ 60-79 tuổi). Hay như việc kê khai các thành viên trong hộ căn cứ theo dữ liệu trong ứng dụng định danh điện tử VNeID…
Như đã nói ở trên, anh Linh là người đã có thời gian dài gắn bó với công tác hành chính về BHXH ở một đơn vị SDLĐ có quy mô (số thu, số NLĐ thuộc diện đóng BHXH, BHYT) ở mức vừa phải. “Thâm niên”, “kinh nghiệm” và cũng rất chịu khó mày mò tìm đọc, hiểu văn bản pháp luật là vậy nhưng thực tế vẫn luôn có những vấn đề mới phát sinh khiến anh phải “lúng túng”.
Chia sẻ từ một cán bộ làm thủ tục BHXH ở DN cho thấy góc nhìn đa chiều hơn về những nghiệp vụ thường ngày. Với các DN quy mô lớn hơn, chẳng hạn với hàng chục nghìn NLĐ, các vấn đề phát sinh có lẽ cũng không hề ít.
Những lúc như thế, chắc chắn cán bộ cơ quan BHXH, cụ thể ở đây là đội ngũ cán bộ làm công tác thu, được phân công chuyên quản từng đơn vị SDLĐ, phải giải thích, hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết. Như vậy, cán bộ thu của cơ quan BHXH không đơn giản chỉ làm mỗi việc mang tính chất thuần túy là “thu tiền”. Quan trọng hơn là thường xuyên phải tương tác, giúp đơn vị SDLĐ và cả NLĐ hiểu đúng và thực hiện đúng các quy định, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, công việc của cơ quan BHXH không chỉ dừng lại khi thu xong. Quyết toán thu hằng tháng hay hằng năm thực chất mới chỉ “tạm xong” phần việc giữa cơ quan BHXH với đơn vị SDLĐ. Xét về bản chất, đó mới chỉ là khâu nghiệp vụ mang tính chất “đầu vào” trong chuỗi quy trình tổ chức thực hiện BHXH, BHYT với từng NLĐ. Các thông tin dữ liệu về tiền lương làm căn cứ đóng, thời gian đóng BHXH, BHYT… của NLĐ sẽ “phải” được lưu giữ một cách chi tiết, làm căn cứ xét hưởng chế độ ngắn hạn (bao gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, BH thất nghiệp) và nhất là chế độ hưu trí (mức hưởng được tính trên bình quân lương tháng đóng BHXH… trong cả khoảng thời gian dài, từ 15-20 năm, thậm chí là dài hơn nữa). Sẽ rất phức tạp, bởi lẽ, mức lương tháng đóng BHXH của NLĐ có thể thay đổi ở từng tháng/từng thời kỳ (do được tăng, điều chỉnh lương); hoặc quá trình tham gia thuộc diện các nhóm khác nhau (làm ở khu vực nhà nước, DN ngoài quốc doanh/tư nhân hay tham gia BHXH tự nguyện), dẫn đến cách tính bình quân lương tháng đóng và mức hưởng cũng sẽ khác nhau…
Thực tiễn cho thấy, các vấn đề khó khăn, mang tính đặc thù trong nghiệp vụ phát sinh thường ngày, có lẽ chỉ người trong nghề BHXH mới thấu hiểu. Thực tế này xuất phát từ bản chất của chính sách BHXH, được thực hiện qua nhiều thời kỳ, gắn với quá trình dài mấy chục năm làm việc của NLĐ, công tác thu và tương ứng với đó là giải quyết chế độ chính sách phải căn cứ vào nhiều văn bản luật. Có những văn bản được ban hành cách đây mấy chục năm nhưng vẫn có giá trị thực hiện, tương ứng với quá trình tham gia BHXH của NLĐ trong khoảng thời gian đó.
Ngay như với Luật BHXH 2024, quá trình xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung mới cũng đang đặt ra nhiều vấn đề tương đối phức tạp. Chẳng hạn như: Về hưởng BHXH một lần, căn cứ xác định tham gia trước- sau thời điểm Luật BHXH 2024 có hiệu lực; thời điểm xác định đủ 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Hay như cách tính thời gian hưởng, mức hưởng chế độ với NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa đủ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội?...
Tương tự như câu hỏi của anh Linh đã nêu ở trên, cách hiểu, cách tính toán khi thực hiện các quy định nhiều khi chỉ chênh nhau nửa ngày sẽ dẫn đến sự khác biệt đáng kể trong mức hưởng/quyền lợi hưởng. Công tác thu BHXH- dữ liệu “đầu vào”, vì vậy không chỉ đơn giản là đảm bảo đúng, đủ về số tiền mà còn phải đảm bảo chuẩn xác các trường thông tin mang tính đặc thù về lương tháng đóng, thời gian đóng, hưởng (tính bằng ngày, tháng, năm hưởng tùy theo chế độ).
Ứng dụng CNTT, hiện đại hoá là cần thiết và đang được đẩy mạnh. Dù vậy, trước mắt, những khó khăn đặc thù trong công tác thu BHXH vẫn luôn cần đến yếu tố con người. Nhiều nội dung phức tạp, mang tính đặc thù, phát sinh từ hàng trăm nghìn đơn vị SDLĐ và hàng chục triệu NLĐ… khó có thể mã hóa, xử lý triệt để bằng phần mềm máy tính.
Thực hiện: Minh Đức
Trình bày: Hà Hùng