Print

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 40

Thứ Ba, 10 /12/2024 11:48

Sáng 10/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban TVQH khai mạc Phiên họp thứ 40- phiên họp cuối cùng năm 2024.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 40, Ủy ban TVQH sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Về công tác lập pháp, Ủy ban TVQH sẽ xem xét, thông qua các chương trình công tác cho năm 2025, bao gồm: Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban TVQH năm 2025; xem xét, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025 của Ủy ban TVQH và chương trình hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban TVQH. Đồng thời, Ủy ban TVQH cũng sẽ xem xét thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Xem xét đề nghị bổ sung 06 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gồm: Dự án Luật Phá sản (sửa đổi); Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật Báo chí (sửa đổi); Dự án Luật Luật sư (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, theo dự kiến, cuối tháng 2/2025 Quốc hội sẽ họp nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến công tác tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)... Bên cạnh đó, Ủy ban TVQH sẽ xem xét sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình và 06 nội dung về tài chính, ngân sách. Đặc biệt, trong trường hợp các cơ quan chuẩn bị kịp tài liệu, Ủy ban TVQH sẽ xem xét, quyết định mức chi phí tổ chức và hoạt động quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2025- 2027.

Ngay sau khai mạc, Ủy ban TVQH xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024).

Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công

Trình bày nội dung này, Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho hay, cử tri và nhân dân tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, đánh giá cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn, cử tri và Nhân dân kỳ vọng việc thực hiện chủ trương trên sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đồng thời, cử tri và Nhân dân mong muốn khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ.

Cử tri và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội và Ủy ban TVQH ngày càng đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, thể hiện trách nhiệm cao trước các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất. Tình trạng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm; tình trạng công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút BHXH…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Nêu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dư luận nhân dân trong báo cáo dân nguyện đồng tình chủ trương tinh gọn bộ máy nhưng cần tuyên truyền tốt hơn nữa. “Chủ trương là như vậy nhưng khi đi vào sắp xếp là liên quan đến đụng chạm ảnh hưởng đến quyền lợi người này, người kia mà chúng ta chỉ nghĩ rằng nhân dân đồng tình ủng hộ mà thiếu quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu thì lúc đó phát sinh những việc ngoài dự tính thì rất khó cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương này”- Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần làm tốt hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân cả nước trong việc thực hiện các chủ trương mới, trong đó có việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh việc xây dựng các đề án một nội dung rất quan trọng trong phần đề án của việc sắp xếp tinh gọn bộ máy thì phải coi trọng cơ chế chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức, NLĐ. “Ví dụ như trước đây khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế) cũng có một phần rất quan trọng là chế độ chính sách. Bây giờ quy mô nền kinh tế, ngân sách cũng lớn rất nhiều so với trước đây và có đủ điều kiện để chăm lo. Việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh giản để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước thì những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, cũng là cán bộ thì quan tâm đến đời sống của họ cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân là người được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới”- Phó Chủ tịch Thanh phát biểu.

Từ phân tích trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nên bổ sung nội dung cần có cơ chế chính sách hợp lý, thậm chí là phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2, 3, 4 năm có thể sẵn sàng nghỉ cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản giữ lại trong hệ thống. “Nếu không cẩn thận, trước đây chúng ta đã nói xu hướng là chuyển từ khu vực công sang tư rất nhiều. Về tổng thể việc này không vấn đề gì. Nhưng tôi e người từ công sang tư là những người tốt, còn người không tốt, trung bình ở lại. Nếu không có chính sách tốt thì không giữ lại được những cán bộ cần giữ, không chuyển được những cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

V.Thu