Tăng cường các giải pháp bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế
Ngày 11/12, tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) chủ trì phối hợp với Quỹ Dân số LHQ tổ chức Hội thảo Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất khung chính sách tổng thể về dân số.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã tham vấn và thảo luận khung chính sách tổng thể về dân số; các nội dung sức khoẻ sinh sản theo ICPD và những gợi ý chính sách cho Việt Nam; tham khảo quan điểm về giới trong xây dựng chính sách duy trì mức sinh thay thế từ đó đưa ra định hướng chung trong xây dựng chính sách nhằm duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số cho biết: Thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua.
Theo Lãnh đạo Cục Dân số, kết quả đã này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực. Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh. Theo ông Lê Thanh Dũng, việc duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số phát biểu
Đáng chú ý, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển; theo vùng kinh tế-xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số là 53,873,500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước, cho thấy xu hướng tăng các tỉnh có mức sinh thấp và quy mô dân số chiếm tỷ trọng lớn hơn, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
“Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước”- ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Matt Jackson- Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Theo một báo cáo gần đây của UNFPA, hai phần ba dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Đây không phải là hiện tượng tạm thời mà là thực tế mới đối với ngày càng nhiều quốc gia.
“Kể từ những năm 1970, một số quốc gia đã áp dụng các chính sách khuyến sinh để tăng hoặc duy trì mức sinh thay thế, ví dụ như sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng việc sử dụng các biện pháp ép buộc trong sinh sản không hiệu quả trong việc thay đổi mức sinh – điều này đã được chứng minh”, đại diện UNFPA cho biết.
Về phía Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế. Trước xu hướng biến động mức sinh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới; Chính phủ đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ-TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó nêu rõ “Đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và phát triển theo hướng có quy mô, cơ cấu, phân bố hợp lý, cân bằng tỉ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, nhất là đối với một số địa bàn và nhóm dân cư. Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng;… đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW xác định “Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số và phát triển theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng”, trong đó, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan “Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số” trình Quốc hội.
Theo ông Matt Jackson, giải quyết các vấn đề dân số cần vượt ra ngoài con số; có nghĩa chúng ta cần cân nhắc ưu tiên đầu tư hiệu quả vào con người và nền kinh tế, cũng như xây dựng một xã hội bao trùm hơn. Điều này đồng nghĩa với việc ưu tiên bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mở rộng cơ hội giáo dục và cải thiện các chính sách hỗ trợ gia đình để đảm bảo mỗi cá nhân có thể thực hiện quyền sinh sản của mình mà không gặp phải rào cản kinh tế - xã hội.
“Việt Nam đang ở trong thời khắc quan trọng khi chuẩn bị xây dựng Luật Dân số. Đây là cơ hội để chúng ta tái khẳng định cam kết của mình về thúc đẩy quyền và sự lựa chọn cho tất cả mọi người. UNFPA sẵn sàng hợp tác với Cục Dân số và các đối tác khác để tận dụng các cơ hội từ quá trình thay đổi nhân khẩu học, tăng cường khả năng thích ứng và xây dựng một tương lai bao trùm cho tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau”- Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh.
Hà Hùng