Hệ lụy từ ô nhiễm bụi mịn ở châu Âu
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) vừa công bố báo cáo cho thấy ô nhiễm không khí do bụi mịn đã khiến gần 240.000 người ở Liên minh châu Âu (EU) tử vong trong năm 2022.
Trong báo cáo, EEA ước tính có ít nhất 239.000 trường hợp thiệt mạng do tiếp xúc với chỉ số bụi mịn PM2.5 cao hơn mức khuyến nghị, phần lớn xảy ra tại Italy, Ba Lan và Đức. Số liệu trên ghi nhận mức giảm 5%, từ con số 253.000 trường hợp năm 2021.
Cũng theo báo cáo mới, có tới 70.000 ca tử vong do tiếp xúc với ô nhiễm ozone, đặc biệt là từ giao thông đường bộ và hoạt động công nghiệp. Bên cạnh đó là 48.000 trường hợp tử vong sớm do NO2, chủ yếu từ phương tiện giao thông và nhà máy nhiệt điện.
Bụi mịn là loại hạt vật chất nhỏ nhất, được coi là mối đe dọa đối với sức khỏe con người khi hít phải. Theo số liệu của EEA, tác động đối với sức khỏe do tiếp xúc lâu dài với 3 chất gây ô nhiễm không khí chính gồm bụi mịn, nitrogen dioxide (NO2) và ozone đang có dấu hiệu cải thiện.
Từ năm 2005 đến năm 2022, số ca tử vong sớm do bụi mịn PM2.5 ở châu Âu đã giảm 45%, nhờ nồng độ PM2.5 giảm mà mức độ tiếp xúc của người dân với chất gây ô nhiễm không khí này cũng giảm theo. Tuy nhiên, EU có hơn 70% dân số sống ở các khu vực thành thị, và vào năm 2022, 96% dân số thành thị đã tiếp xúc với nồng độ PM2.5 cao hơn mức hướng dẫn của WHO.
Tỷ lệ tử vong sớm giảm là kết quả của việc thực thi chính sách của EU, cả ở cấp quốc gia và địa phương nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, bao gồm cả vật chất dạng hạt. Những chính sách này đã thành công trong việc giảm lượng phát thải hạt mịn từ hệ thống sưởi trong nhà, nguồn chính của chúng và các nguồn khác như công nghiệp và giao thông. Lượng phát thải amoniac, tiền chất PM thứ cấp, từ nông nghiệp cũng đã giảm ở mức độ thấp hơn.
Ủy ban châu Âu đã đặt ra Kế hoạch Hành động không ô nhiễm (ZPAP) với mục tiêu giảm ít nhất 55% tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí vào năm 2030 so với năm 2005. Nếu xu hướng của giai đoạn 2005-2022 tiếp tục, họ sẽ đạt được mục tiêu này, thậm chí vượt quá. Tuy nhiên, tình hình sẽ không dễ dàng nếu các chính sách của EU về không khí, khí hậu và năng lượng được thực hiện đầy đủ.
EEA cảnh báo, ô nhiễm không khí hiện vẫn là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe của người dân châu Âu. Vật chất dạng hạt mịn PM2.5 là chất ô nhiễm có bằng chứng mạnh nhất về tác động xấu.
Trong chương trình tổng thể và dài hạn nhằm ứng phó các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050 còn được gọi là Thỏa thuận Xanh châu Âu, EU kêu gọi cải thiện hơn nữa chất lượng không khí và sửa đổi các tiêu chuẩn chất lượng không khí của EU, điều chỉnh chúng chặt chẽ hơn theo các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chất lượng không khí.
Vào tháng 10/2022, Ủy ban châu Âu đã đề xuất sửa đổi Chỉ thị về Chất lượng Không khí Xung quanh của Liên minh châu Âu. Theo sự đồng ý của các nhà đồng lập pháp và được công bố vào tháng 11/2024, Chỉ thị sửa đổi đưa ra các tiêu chuẩn mới cần đạt được vào năm 2030, phù hợp hơn với các khuyến nghị của WHO và nghĩa vụ giám sát các chất ô nhiễm bổ sung như hạt siêu mịn và amoniac.
Theo WHO, có tới 99% dân số thế giới hít thở bầu không khí vượt ngưỡng an toàn về ô nhiễm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, tiểu đường và nhiều vấn đề khác, tạo ra nguy cơ lớn về sức khỏe. Ước tính, mỗi năm có gần 7 triệu ca tử vong sớm liên quan ô nhiễm không khí.
Ngọc Tuấn