Print

5 quốc gia đề cử thành công trang phục Kebaya là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Thứ Năm, 12 /12/2024 21:37

Trang phục Kebaya, do Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Thái Lan cùng đề cử, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sau hơn 2 năm chuẩn bị và bảo vệ, Kebaya, trang phục truyền thống của phụ nữ Đông Nam Á do Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Thái Lan cùng đề cử, đã thành công được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đại diện Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore cho biết: "Sau khi Kebaya được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, điều chúng ta cần làm bây giờ là bảo tồn di sản văn hóa độc đáo này, không chỉ để tưởng nhớ tổ tiên, mà còn phát triển lên một tầm cao mới và truyền lại cho các thế hệ tương lai”.

Ông Huang Junrong-Huỳnh Quân Vinh, nghệ nhân kết hạt (cườm) nổi tiếng và là thành viên của Hiệp hội Peranakan Singapore, hy vọng việc Kebaya được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ khuyến khích nhiều phụ nữ mặc trang phục truyền thống này trong nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau. Khi sự phổ biến của Kebaya tăng lên, doanh số bán hàng cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán: "Điều này có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với những người thợ thủ công như chúng tôi, vì nếu không ai đánh giá cao và ưa chuộng trang phục này, chúng tôi sẽ rất khó khăn để tồn tại. Trong thời gian tới, Hiệp hội Peranakan Singapore có kế hoạch tổ chức một loạt cuộc hội thảo liên quan đến Kebaya, bao gồm giới thiệu văn hóa Peranakan; dạy mọi người cách mặc và sáng tạo họa tiết trên nền Kebaya; làm giày đính cườm Nyonya; ẩm thực và làm món ngọt Nyonya...”.

Anh Sufiyanto Sopingi, 35 tuổi, nhà thiết kế thời trang, cùng bạn bè thành lập tài khoản mạng xã hội Kebaya Societe vào 2 năm trước để giới thiệu trang phục truyền thống Malaysia và Indonesia. Tài khoản được các bạn trẻ khá yêu thích, vì chia sẻ mọi vấn đề thú vị về Kebaya với thế hệ trẻ thông qua các video ngắn trên mạng xã hội. Ở một động thái khác, Cục Quản lý Di sản Văn hóa Singapore dự kiến nâng cao nhận thức về Kebaya bằng một chuỗi hoạt động quảng bá trang phục tại Lễ hội Di sản Văn hóa sẽ được tổ chức vào tháng 5/2025.

Kebaya là trang truyền thống của phụ nữ một số quốc gia Đông Nam Á, gồm áo và xà rông (váy), được may và thêu bằng phương pháp thủ công tinh xảo. Trang phục này phổ biến vào đầu thế kỷ 20, được phụ nữ Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Thái Lan mặc, đặc biệt là trong các lễ hội truyền thống hoặc các dịp trang trọng. Bà Ratianah Tahir, 53 tuổi, người sáng lập thương hiệu Ratiana, vui mừng chia sẻ: “Tôi đã thiết kế và mở cửa tiệm Kebaya ở Kampong Glam trong gần 20 năm. Việc trang phục Kebaya được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đồng nghĩa với việc Kebaya đã được nâng tầm lên tầm thế giới và được công chúng quốc tế công nhận. Có thể nói, Kebaya tượng trưng cho một nét lịch sử và di sản văn hóa chung của 5 quốc gia Đông Nam Á. Hay nói cách khác, Kebaya kết nối chúng ta với nhau".

Nghệ nhân thêu Yang Fulai-Dương Phúc Lâm, 53 tuổi, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm Kebaya, vẫn gắn bó với chiếc máy may cầm tay truyền thống để thêu Kabaya bằng phương pháp Sulam- hiện nay, còn rất ít nghệ nhân vẫn dùng phương pháp này. Ông bày tỏ hi vọng, việc Kebaya được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ thúc đẩy tốt hơn việc bảo tồn nghề thủ công truyền thống; đồng thời, tạo điều kiện để Kebaya tiếp tục thể hiện các phong cách khác nhau phù hợp với nhu cầu của thời đại: “Về phương pháp thêu Nyonya, so với máy may chạy điện, tốc độ của máy may đạp bằng chân kiểu cũ chậm hơn nhưng do quy trình được điều khiển bởi bàn tay của người thợ nên có thể tạo ra được những mẫu thêu tinh xảo hơn. Tôi mong trong tương lai có thể thu hút nhiều người đến học hỏi và kế thừa nghề thủ công này”.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)