Print

Lạng Sơn: Vững an sinh với đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Ba, 17 /12/2024 10:50

Lạng Sơn có đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 84%. Do đó, việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT là giải pháp quan trọng để đảm bảo nền tảng an sinh bền vững.

Lan toả chính sách đến vùng sâu, vùng xa

Ông Hứa Xuân Dương-Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Hải Yến (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết: xã Hải Yến có 100% dân số là người thuộc dân tộc Nùng, thuộc nhóm dân tộc ít người. Nhận thức của đa số bà con về vai trò của việc tham gia BHXH, BHYT còn nhiều hạn chế. Do đó, Đảng bộ, chính quyền xã Hải Yến luôn quan tâm, phối hợp cùng cơ quan BHXH tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đối tượng tự đóng.

Từ năm 2022 đến nay BHXH tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận và trao tặng 3.039 thẻ BHYT, sổ BHXH cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trên 767 triệu đồng. Đây là sự chia sẻ về vật chất, động viên tinh thần to lớn, là hành động thiết thực giúp người dân với bớt gánh nặng về chi phí KCB khi không may ốm đau; có cơ hội được hưởng lương hưu ổn định khi hết về già.

“Đến nay, số người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn xã dù còn khiêm tốn nhưng vẫn tăng đều qua hàng năm. Riêng về BHYT hộ gia đình thì hàng năm đều đạt bao phủ từ 96% dân số trở lên”, ông Dương phấn khởi chia sẻ.

Tương tự như xã Hải Yến, tại nhiều địa bàn khác ở Lạng Sơn, số đồng bào dân tộc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lạng sơn hiện có dân số là 812.000 người. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 16,09% tổng dân số toàn tỉnh; dân tộc Nùng chiếm 42,9%; dân tộc Tày chiếm 36,1%; dân tộc Hoa, Dao, Sán Chay chiếm 4,5%; còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện; 200 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 199 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, gồm 103 xã khu vực I; 08 xã khu vực II và 88 xã khu vực III.

Với những nét đặc thù như vậy nên công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, cơ quan BHXH phải luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương ở cơ sở để triển khai tốt công tác truyền thông, từng bước nâng cao nhận thức và sự chủ động tham gia BHXH, BHYT của người dân.

Hướng tới nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, BHXH tỉnh Lạng Sơn cũng đã tăng cường truyền thông, chú trọng đến việc chuyển tải các thông điệp thân thiện, gần gũi, dễ tiếp cận hơn. Các quy định trong văn bản pháp luật khô khan được khéo léo chuyển tải thành các nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ; nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tăng cường truyền thông cảnh báo thông tin “xấu - độc” về BHXH, BHYT, góp phần định hướng dự luận, củng cố niềm tin của Nhân dân vào các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước…

Song song đó, BHXH tỉnh cũng đã chú trọng đổi mới hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT theo hướng linh hoạt, đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, theo từng giai đoạn và bối cảnh kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Kết hợp hài hòa giữa các hình thức truyền thông truyền thống như hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với NLĐ, người dân; các ấn phẩm tuyên truyền chính sách… với các hình thức truyền thông hiện đại, đa phương tiện qua môi trường Internet. Tuyên truyền, tư vấn, giải đáp chế độ, chính sách qua Cổng Thông tin điện tử và Fanpage Facebook/Zalo OA của BHXH Việt Nam cũng như của BHXH các địa phương. Đến nay, BHXH tỉnh đã tư vấn, giải đáp chế độ chính sách qua Cổng Thông tin điện tử và Fanpage Facebook/Zalo OA BHXH tỉnh cho hơn 3.200 lượt; tổ chức các buổi livestream trên Facebook tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT...

Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương; tăng cường công tác truyền thông qua kênh báo hình, báo nói và báo/tạp chí in và điện tử. Với số lượng, tần suất các tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về BHXH, BHYT ngày một tăng góp phần tạo sức hút và lan tỏa các chính sách an sinh xã hội tới đông đảo độc giả, khán/ thính giả. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh đã có hơn 8.225 tin, bài, phóng sự được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ những chia sẻ của ông Hứa Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Hải Yến, đã cho thấy, công tác truyền thông được thực hiện hiệu quả góp phần quan trọng để huy động sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đây là nguồn lực để lan toả chính sách BHXH, BHYT bền bỉ đến từng hộ gia đình cũng như người dân trên địa bàn, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát huy mạnh mẽ vai trò tham mưu

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Lạng Sơn có 54.979 người tham gia BHXH bắt buộc, 13.887 người tham gia BHXH tự nguyện và 710.433 người tham gia BHYT (trong đó có 199.615 người dân tộc thiểu số sinh sống thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn và 7.462 người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số).

Với một tỉnh miền núi, có nhiều người dân tộc thiểu số, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn luôn là một bài toán khó. Dù số người tham gia có tăng, nhưng lao động là người dân tộc thiểu số tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện vẫn còn khiêm tốn.

Để khắc phục những khó khăn, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã luôn phát huy vai trò tham mưu, chủ động đề xuất các cơ chế, giải pháp để thúc đẩy gia tăng số người tham gia BHXH, BHYT. Tiêu biểu như trong giai đoạn 2019-2024, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thực hiện giao chỉ tiêu phát tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đến cấp xã, các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT...

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành 3 Nghị quyết hỗ trợ đóng BHYT, BHXH cho các nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện và hỗ trợ đảm bảo đủ 100% mức đóng BHYT đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ngoài ra, nhóm cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình cũng được hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách địa phương.

Từ các giải pháp trên, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã từng bước phát triển tích cực. Đồng thời, quyền lợi BHXH, BHYT luôn được đảm bảo tốt. BHXH tỉnh đã giải quyết hưởng mới BHXH thàng tháng cho 6.053 lượt người; hưởng chế độ ngắn hạn (ốm, đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe) cho 51.331 lượt người và đã thực hiện chi trả cho 31.939 người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, BHXH tỉnh đã chi trả cho trên 5,6 triệu lượt người KCB BHYT, với số tiền trên 3.151 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đã góp phần quan trọng để đảm bảo an sinh, nâng cao đời sống của người dân nói chung và đồng bào dân tộc tại Lạng Sơn nói riêng.

Hoàng Thùy