Print

Đài Loan dự kiến phân bổ 4 tỷ Tân Đài Tệ cho việc chăm sóc người cao tuổi

Thứ Tư, 18 /12/2024 14:20

Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan cho biết, sẽ phân bổ 4 tỷ Tân Đài tệ (tương đương 123 triệu USD) để mở rộng Chương trình Cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tích hợp cho người cao tuổi. Đây xem như là một trong những động thái để đối phó với việc Đài Loan được dự báo sẽ trở thành một xã hội “siêu già” vào năm 2025.

Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan hiện điều hành 26 BV có cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tích hợp cho người cao tuổi. 4 tỷ Tân Đài Tệ trên sẽ sử dụng để mở rộng Chương trình này. Đồng thời, Đài Loan dự kiến sẽ thành lập thêm 14 cơ sở tương tự trước năm 2029, nhằm cung cấp dịch vụ với mức giá phải chăng cho khoảng 2.000 người cao tuổi.

Báo cáo Cuộc sống của Người cao tuổi- một báo cáo thường niên của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, đưa ra định nghĩa “các hoạt động sinh hoạt hằng ngày bao gồm tắm rửa, mặc quần áo, đi vệ sinh, ra vào giường hoặc ghế, di chuyển trong nhà và ăn uống”. Kết quả, hơn 10% người cao tuổi cần hỗ trợ trong một hoặc nhiều hoạt động sinh hoạt hằng ngày, trong đó, tắm rửa là hoạt động đứng đầu nhu cầu. Cụ thể: 1,71% người trên 55 tuổi cần hỗ trợ cho một hoặc nhiều hoạt động sinh hoạt hằng ngày, con số này tăng lên 11,86% đối với người trên 65 tuổi và 24,4% người trên 75 tuổi; 11,35% người cao tuổi cần hỗ trợ khi tắm rửa hoặc giặt giũ, 9,41% cần hỗ trợ khi thay quần áo.

Các thành viên trong gia đình vẫn hỗ trợ chính cho người cao tuổi, với hơn 60% người được gia đình chăm sóc; 18% có người giúp việc đã qua đào tạo kỹ năng và 6,72% dựa vào các dịch vụ tại nhà hoặc cộng đồng. Hiện 84.000 người Đài Loan từ 65 tuổi trở lên và 14.000 người từ 55 đến 64 tuổi đang sinh sống tại các cơ sở ngoài gia đình. Trong đó, 48,45% sống tại cơ sở có cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tích hợp; 38,35% sống tại viện dưỡng lão và 6,39% sống tại trung tâm do Hội đồng Cựu chiến binh điều hành. Ngoài ra, 3,74% sống tại cơ sở dành cho người khuyết tật do Tổ chức Dịch vụ phúc lợi điều hành và 3,07% sống tại cơ sở đặc biệt chuyên chăm sóc người mắc chứng mất trí nhớ.

“Dân số già hóa có thể nói là một “cuộc khủng hoảng thầm lặng”, tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đài Loan”- Bà Kao Shien Quey/Cao Tiên Quế, Thứ trưởng Hội đồng Phát triển Quốc gia Đài Loan nhận định- “Quá trình già hóa tác động tiêu cực đến lực lượng lao động và căn cứ đóng thuế; hiệu suất cạnh tranh toàn cầu về nhân lực; gây ra chênh lệch kinh tế giữa các khu vực; gia tăng gánh nặng tài chính do chi phí chăm sóc sức khỏe và nhiều vấn đề khác. Dự báo 20% người sẽ ở độ tuổi 65 trở lên vào năm 2025, đánh dấu sự chuyển đổi của Đài Loan thành một xã hội “siêu già”. Đến năm 2070, con số này có thể là 46,5%, đưa Đài Loan trở thành quốc gia có dân số già thứ 2 thế giới”.

Bà Kao Shien Quey/Cao Tiên Quế cho biết thêm, con số này thấp hơn mức dự kiến là 47,5% của Hàn Quốc, song cao hơn mức 38,7% của Nhật Bản, 33,8% của Italia, 28,8% của Đức và 26,3% của Hoa Kỳ. Giả sử việc này thực sự xảy ra, sẽ có chưa đến 50% người Đài Loan ở độ tuổi lao động, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và quy mô lực lượng lao động, cũng như sự ổn định kinh tế- xã hội.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)