Print

Mở rộng bao phủ BHXH, BHYT: Đảm bảo cuộc sống người dân

Thứ Sáu, 20 /12/2024 08:39

Dù phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” nhưng từ đầu năm đến nay, các nhiệm vụ, chỉ tiêu  đặt ra đã được Ngành thực hiện ở mức cao nhất có thể. Do đó, hết tháng 11, toàn quốc có 19,699 triệu người tham gia BHXH, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó 17,529 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 8,5%; 2,170 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 39,5%); 15,796 triệu người tham gia BH thất nghiệp, tăng 9,7% và 94,633 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Với nền tảng độ bao phủ luôn được mở rộng, ngành BHXH Việt Nam cũng luôn đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia theo luật định. Qua đó, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ cũng như phục vụ kịp thời các hoạt động KCB và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Những kết quả trên cũng giúp BHXH Việt Nam sẵn sàng cho những thách thức mới trong năm 2025, tiếp tục hướng tới những mục tiêu phát triển cao hơn, từng bước hoàn thành các mục tiêu cho cả giai đoạn 5 năm theo Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, Ngành cũng đặt ra mục tiêu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cố gắng ở từng mảng công tác, phát huy các bài học kinh nghiệm đã có, nhân rộng các mô hình hay. Bởi việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT không chỉ là yêu cầu nhiệm vụ đặt ra theo kế hoạch từng năm, mà trên hết, đây còn là trách nhiệm bảo đảm an sinh cho cuộc sống của người dân, giữ vững hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Thời gian qua, việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT của Ngành cũng được quan tâm, chú trọng. Trong năm 2024, BHXH Việt Nam đã chủ động, phối hợp tích cực trong việc đề xuất, xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan đến chế độ, chính sách, quản lý quỹ BHXH, BHYT và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các bộ, ngành để trình Quốc hội khóa XV thông qua như Luật BHXH 2024 (được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, tháng 6/2024); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 11/2024), Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi); xây dựng các dự thảo Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành...

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Quốc hội thông qua Luật BHXH 2024 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp người dân, DN và các cơ quan, tổ chức có điều kiện thuận lợi tham gia trong lĩnh vực BHXH, nhất là trong việc tham gia đóng góp và thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Theo đó, Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, các quy định của Luật cũng gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH; bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng BHXH đối với NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và NLĐ nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Luật BHXH năm 2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Cùng với đó, Luật quy định đối tượng được tham gia BHXH và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; NLĐ làm việc không trọn thời gian; người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng lương. Những quy định của Luật nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết. Đồng thời, cũng thể hiện sự liên kết, linh hoạt, sự hỗ trợ giữa các chính sách BHXH nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. “Luật BHXH 2024 là một bước tiến tích cực trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ và người cao tuổi, đồng thời phản ánh sự thích ứng của chính sách với các thay đổi kinh tế- xã hội. Mặt khác, việc bổ sung các đối tượng tham gia BHXH là một bước tiến trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả NLĐ, kể cả những người làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân và khu vực không chính thức… đã giúp mở rộng phạm vi bảo vệ của Luật BHXH, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”- bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ.

Cùng với đó, Luật BHXH 2024 cũng như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT (luật BHYT 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025) cũng bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT. Đây là vấn đề xã hội rất quan tâm, tác động trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Chính vì vậy, Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHYT; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT như quy định cụ thể hành vi chậm đóng BHXH, BHYT và trốn đóng BHXH, BHYT; nộp phạt khi đóng chậm; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT từ 6 tháng trở lên đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH, BHYT bắt buộc phải đóng...

Song song với đó, việc bổ sung một số nhóm được hỗ trợ, tự đóng BHYT trong Luật BHYT 2024 cũng góp phần nâng cao độ bao phủ BHYT, hướng đến BHYT toàn dân theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng. Cụ thể, Luật đã bổ sung thêm nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng gồm: người thuộc hộ gia đình cận nghèo, HSSV, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật; nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; người DTTS đang sinh sống tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội ĐBKK mà các xã này được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, ĐBKK thì được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT (mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đóng theo quy định của Chính phủ). Đặc biệt, với nhóm tự đóng đã bổ sung người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo; NLĐ trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn HĐLĐ tự đóng…

Bài: Nguyễn Thị Bích Ngọc

Đồ hoạ: Thanh An