Print

Trái ngọt của đôi vợ chồng quân nhân sau 11 năm hiếm muộn

Chủ nhật, 22 /12/2024 14:29

May mắn nhận được sự chia sẻ từ Chương trình Yêu thương lan toả, ngôi nhà của vợ chồng người lính biên phòng và cô gái H'Mông đã đón nhận niềm hạnh phúc ngập tràn sau 11 năm chờ đợi…

Năm 2012, thiếu tá Vàng A Chua- Bộ đội Biên phòng đồn Biên phòng Mường Mươn, Điện Biên đã lên duyên với chị Lý Thị Xía. Hai anh chị đến với nhau và tạo nên chuyện tình đẹp nơi rẻo cao Tây Bắc.

Với đặc thù công việc, anh Vàng A Chua thường xuyên phải công tác xa, thời gian trở về gia đình chỉ là những ngày phép ngắn. Và sau 5 năm kết hôn, anh chị vẫn chưa thể có con. Là con trai trưởng trong gia đình, anh Chua và chị Xía không chỉ phải chịu áp lực từ người thân mà còn phải đối mặt với định kiến xã hội. Ở nơi anh sinh sống, mọi người luôn tin rằng việc có con đều do người phụ nữ, thế nên anh lại càng thương vợ.

Chính vì vậy, năm 2021, vợ chồng anh Vàng A Chua nhận được gói hỗ trợ cho quân nhân hiếm muộn Yêu thương lan tỏa, với 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh– Truyền hình Quân đội triển khai, ban đầu anh chị đã có ý định nhường gói hỗ trợ này cho cặp vợ chồng khác. Trong những năm qua, vợ chồng anh Vàng A Chua đã chạy chữa nhiều nơi, ai mách ở đâu có thuốc dễ thụ thai là hai anh chị đều tìm đến. Trong căn bếp nhỏ của gia đình chất chồng nhiều thang thuốc cùng với nỗi niềm về một gia đình trọn vẹn. Với khát khao làm cha mẹ vẫn luôn thường trực trong lòng, anh chị đã gắng dành dụm tiền để “tìm con”, và tất nhiên không bỏ qua sự hỗ trợ cùa y học hiện đại. Suốt từ năm 2015 đến 2019, anh chị trải qua 2 lần IUI và 2 lần IVF nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười…

Vẫn khát khao làm cho mẹ, nhưng nỗi lo sợ thực hiện thất bại thêm lần thứ 5 khiến anh chị ngại ngần... Tuy nhiên, sau nhiều đêm suy nghĩ, với sự động viện của chồng và bản năng làm mẹ thôi thúc, chị Xía đã đồng ý nhận gói hỗ trợ. Hai anh chị lại từ Điện Biên xuống Hà Nội, vượt qua quãng đường dài và trắc trở để bắt đầu hành trình "tìm con" lần thứ 5.

Sau khi chuyển phôi, anh chị ở lại Hà Nội để chờ đợi ngày ra viện kiểm tra kết quả. Lần này, hạnh phúc đã mỉm cười, hai vợ chồng không tin nổi sự thật khi lần đầu tiên nghe tin đã mang song thai. Khoảnh khắc đầu tiên, anh chị cùng rơi nước mắt, chị Xía siết chặt tay hỏi chồng: “Anh ơi, có thật không?”…

Lần đầu tiên đón hai con vào lòng, người lính biên phòng đã dạn dày sương gió lại một lần rơi nước mắt vì hạnh phúc. Anh Chua đã chính thức được làm cha sau hơn một thập kỷ chờ đợi. “Nhìn lại hành trình chạy chữa hiếm muộn suốt hơn chục năm, vợ chồng mình lại thấy càng yêu thương nhau hơn. Nước mắt có, hạnh phúc cũng có, thời gian đã chứng minh tất cả những nỗ lực của hai vợ chồng là xứng đáng với kết quả hôm nay đang có được”, anh Chua chia sẻ. Sau tất cả, hạnh phúc thật sự đã nảy nở và ghé thăm ngôi nhà nhỏ ở nơi rẻo cao Điện Biên của thiếu tá Vàng A Chua và cô gái người H’Mông Lý Thị Xía.

Theo ThS.BS.Lê Thị Thu Hiền– Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, trong quá trình thăm khám và điều trị cho các gia đình hiếm muộn, các bác sĩ đã được tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bên cạnh áp lực, định kiến của xã hội thì áp lực tài chính cũng là một trong những yếu tố khiến hành trình tìm con của các gia đình kéo dài. “Đặc biệt, với các quân nhân, đặc thù nghề nghiệp thường xuyên phải công tác xa gia đình khiến họ chưa thể có con hoặc chưa có nhiều thời gian để thực hiện thăm khám, điều trị hiếm muộn sớm”, bác sĩ Hiền nói.

Với đặc thù công tác, nhiều quân nhân thực hiện nhiệm vụ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nơi biên cương, hải đảo, trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên. Tuy nhiên, hành trình tìm con của các quân nhân hiếm muộn vẫn còn nhiều gian nan, vất vả và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội.

Từ năm 2021, Chương trình Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn- Yêu thương lan toả đã được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh- Truyền hình Quân đội triển khai cũng thể hiện mong muốn được đồng hành, cũng như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để các gia đình quân nhân kiên trì, bền bỉ trong hành trình đạt hạnh phúc trọn vẹn…

Thái An